An Tường đa dạng các ngành nghề kinh doanh

Thứ 6, ngày 1 tháng 6 năm 2018 - 15:16

TQĐT - Với tốc độ đô thị hóa nhanh, xã An Tường (TP Tuyên Quang) đang có nhiều lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ. Đây cũng là một trong những hướng đi trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân mà An Tường xác định là trọng tâm.


Gia đình bà Tạ Thị Kim Hoa, thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường kinh doanh chăn ga gối đệm từ năm 2009 đến nay. Hiện nay mặc dù việc kinh doanh mặt hàng này chưa có lãi cao nhưng cũng giúp gia đình bà Hoa có thêm đồng ra đồng vào. Bà Hoa tin tưởng, khi An Tường trở thành phường, thương mại dịch vụ nơi đây tiếp tục phát triển thì gia đình bà sẽ có nguồn thu cao hơn từ hoạt động buôn bán. Bà dẫn chứng, từ hai năm trở lại đây, xã có thêm nhiều hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ. Xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi ngành nghề kinh doanh cho phù hợp. Người dân cũng được các ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển kinh doanh.

Một góc trung tâm xã An Tường (TP Tuyên Quang).

Xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Phạm Văn Hùng, thôn Viên Châu 2, xã An Tường đi vào sản xuất khoảng 30 năm nay, xưởng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, chủ yếu là người địa phương, mức thu nhập từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Hùng cho biết, đến với nghề gỗ như một cái nghiệp, bởi bố anh là người Hưng Yên lên đây lập nghiệp, sau khi làm nhiều nghề và quan sát thấy nguồn gỗ tại địa phương phong phú, nhu cầu đồ gỗ vẫn còn khá nhiều nên gia đình đã chuyển sang sản xuất đồ mộc, ban đầu chỉ phục vụ những người dân trong vùng, sau đó sản phẩm được nhiều người biết đến và thị trường được mở rộng ra nhiều tỉnh trong khu vực. Hiện tại, ngoài xưởng gỗ này, gia đình anh cũng đã mở thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm dọc trục Quốc lộ 2. Từ khi bán hàng ở địa điểm này, số lượng khách hàng đến tham quan, mua hàng đã nhiều lên rất nhiều. Do địa điểm rộng nên ngoài số đồ nội thất gia đình tự làm, anh còn nhập thêm nhiều đồ được sản xuất ở vùng xuôi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài thành phố. Trong quá trình kinh doanh, anh cũng được sự ủng hộ, khuyến khích tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên kinh doanh cũng thuận lợi, mỗi năm anh xuất bán hàng ngàn sản phẩm nội thất.

Để tạo điều kiện cho người dân phát huy lợi thế đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, UBND xã An Tường cũng đã thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tìm hiểu nhu cầu về mặt bằng, vốn vay của các hội viên của tổ chức mình để kịp thời giúp đỡ, tư vấn, định hướng cho các hộ. Trên địa bàn xã cũng đang hình thành một số khu đô thị mới, chợ trung tâm xã An Phú cũng đã đi vào hoạt động càng làm cho bức tranh về lĩnh vực dịch vụ của xã thêm nhiều màu sắc đa dạng.

Ông Nguyễn Hồng Chiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Tường (TP Tuyên Quang) cho biết: “Hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ được duy trì và giữ ổn định, toàn xã hiện có 676 hộ kinh doanh với 1.285 lao động, thu nhập bình quân đạt 3,6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2017 giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch đạt 55,2 tỷ đồng. Xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ xã về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2015 - 2020. Vận động nhân dân tiếp tục vào chợ An Phú để kinh doanh, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ vay các nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp thông qua tín chấp của các tổ chức hội để mở rộng kinh doanh hiệu quả.

Trong tương lai, khi đã trở thành phường, An Tường cũng sẽ được đầu tư hàng loạt các công trình, dự án trên địa bàn. Khi đó, hoạt động thương mại dịch vụ của xã sẽ được kích cầu để phát triển mạnh hơn nữa.

Thùy Linh