Quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch

Thứ 3, ngày 23 tháng 4 năm 2024 - 15:06

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quảng bá sản phẩm OCOP kết hợp phát triển du lịch, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, người dân có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Phát huy giá trị

Thời điểm này, Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang đang vào vụ sản xuất chè xuân và cũng là thời điểm hợp tác xã đón lượng khách du lịch đến trải nghiệm nhiều nhất. Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà cho biết, kể từ khi các sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm chè của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận nhiều hơn, khách du lịch cũng ghé thăm đồi chè - vùng nguyên liệu của hợp tác xã nhiều hơn.

Ông Phố kể, để tạo ra sản phẩm chè chất lượng, đạt tiêu chuẩn hợp tác xã thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản rất nghiêm ngặt. Nhờ đó, đã tạo ra hương vị riêng của chè Shan tuyết Hồng Thái, điều này thu hút và gây sự tò mò của người tiêu dùng, du khách. Theo ông Phố, uống chè Shan tuyết không chỉ mang lại tinh thần sảng khoái, mà còn có nhiều công dụng cho sức khỏe như chống lão hóa, ngăn ngừa đái tháo đường, tốt cho tim mạch. Bởi trong loại cây này có các hợp chất quý như thein, tanin... phong bế các gốc tự do của cơ thể, tiêu diệt tế bào gây ra nhiều bệnh nan y.

Du khách thăm quan đồi chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang.

Đây là lần đầu bà Hà Ngọc Anh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đến tham quan đồi chè Shan tuyết cổ thụ và được trải nghiệm quy trình sản xuất ra sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái. Bà Anh chia sẻ, bà rất vui khi được trực tiếp hái chè cùng công nhân, tự mình thu hái và chế biến chè, góp phần tạo ra loại chè độc đáo nhất trên thị trường hiện nay. Nhâm nhi hương vị chè trên chính đất chè, rồi thưởng ngoạn cảnh đẹp và thưởng thức các món ẩm thực nơi rẻo cao thật là thú vị. Trở về Hà Nội bà sẽ giới thiệu với bạn bè và sẽ tiếp tục cùng mọi người trở lại xã Hồng Thái để nghỉ dưỡng và thưởng thức hương vị chè cổ thụ độc đáo này.  

Tại huyện Lâm Bình, việc quảng bá sản phẩm OCOP cũng đang gắn chặt với hoạt động du lịch. Ông Nguyễn Việt Hòa, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình cho hay, nếu như trước đây cá đặc sản lòng hồ chỉ được giao buôn cho thương lái về các chợ đầu mối thì nay đã xây dựng thành thương hiệu để phục vụ hoạt động du lịch. Lợi thế lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình hùng vĩ và các sản phẩm cá đặc sản đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, thưởng thức.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh đã có 8 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trên 200 sản phẩm OCOP được gắn sao bán tại các điểm du lịch. Sự phát triển của sản phẩm OCOP đã tạo làn gió mới cho kinh tế nông thôn, thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời kích thích hoạt động du lịch nông thôn phát triển. Nhiều chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng gắn với vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành. Người dân đã có thể vừa phát triển nông nghiệp vừa phát triển du lịch, nâng cao thu nhập.

Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Thanh Tương, huyện Na Hang chia sẻ, phát triển sản phẩm OCOP kết hợp với hoạt động du lịch đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Điển hình như 23 hộ dân trong xã liên kết với Hợp tác xã dịch vụ Tâm Hương sản xuất kết hợp với làm du lịch nông nghiệp có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Tăng cường quảng bá

Nhằm tạo thêm sức hút cho du lịch, tỉnh cũng thường gắn các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch với quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh, điển hình như sự kiện truyền thông về Chương trình khai mạc năm du lịch tỉnh và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ III năm 2024 được tổ chức ở Thành phố Đà Nẵng cuối tháng 3 vừa qua. Ngoài tuyên truyền về các sự kiện trong khuôn khổ Khai mạc năm du lịch, tỉnh còn giới thiệu đến các đơn vị truyền thông khu vực miền Trung - Tây nguyên các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. 

Đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trước khi tham dự Hội nghị truyền thông về Chương trình Khai mạc năm du lịch và Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Tuyên Quang lần thứ III, năm 2024

Ông Nguyễn Đức Chinh, Trưởng đại diện báo chí khu vực miền Trung - Tây nguyên cho biết: Tôi cảm thấy các sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang khá đa dạng, mẫu mã đẹp. Tôi đã thử 1 vài sản phẩm và cảm thấy rất ngon, hợp khẩu vị. Bên cạnh tuyên truyền về sự kiện du lịch của tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi sẽ tuyên truyền thêm về ẩm thực độc đáo của tỉnh. Qua đó, giúp nhân dân và du khách, đặc biệt là du khách miền Trung - Tây nguyên biết đến ẩm thực của Tuyên Quang nhiều hơn.

Chương trình phát triển sản phẩm OCOP đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có trên 230 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên và việc phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi đang được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ…

Ngày 25/4 tới đây, tỉnh sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề năm 2024, với 100 gian hàng, trong đó có nhiều gian hàng của các cơ sở sản xuất, chế biến, hợp tác xã trong tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên sẽ được giới thiệu, quảng bá. Các gian hàng được tổ chức hưởng ứng Năm Du lịch Tuyên Quang với nhiều các hoạt hoạt động văn hóa; các tour, tuyến du lịch chắc chắn sẽ tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp.

Các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP luôn thu hút đông khách tham quan, tìm hiểu.

Ðể các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gia tăng về số lượng và phát triển về chất lượng, ông Lộc Kim Liễn, Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở thêm nhiều điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương sẽ là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn giúp các sản phẩm OCOP đến gần với người dân hơn.

Qua đó, kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh đến mọi miền đất nước. Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Theo Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang