Kinh tế tập thể thúc đẩy liên kết sản xuất

Thứ 2, ngày 29 tháng 4 năm 2024 - 13:39

Phát huy vai trò kinh tế tập thể thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi đã trở thành xu hướng được nhiều địa phương thực hiện và mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ giúp tăng cường cạnh tranh của nông sản trên thị trường mà còn phát huy được vai trò là cầu nối của hợp tác xã (HTX) qua đó góp phần ổn định đời sống, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Phát huy vai trò kinh tế tập thể


Anh Trần Việt Côi, HTX nông sản hữu cơ Bình Minh, địa chỉ tại thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận, (Yên Sơn) cho hay, HTX được thành lập vào năm 2022, tuy nhiên từ cuối năm 2020, HTX đã cùng 1 nhóm hộ dân lập kế hoạch, khoanh vùng trồng trọt và lựa chọn cây ăn quả, cây dược liệu làm cốt lõi để phát triển. Năm 2022, HTX mở rộng liên kết thêm nhiều hộ sản xuất khác để trồng cây dược liệu, cây ăn quả và nuôi ong lấy mật. Đến nay vùng nguyên liệu của HTX khoảng 21 ha, trong đó chủ yếu trồng cây dược liệu và cây ăn quả như: Đu đủ đực, ba kích, xạ đen, cà gai leo, cây khôi nhung… 

Năm 2023, được hỗ trợ 100 triệu đồng của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để hoàn thiện dây chuyền sản xuất trà túi lọc từ hạt đậu đen với công suất từ 15-20 tấn nguyên liệu/năm; tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và nhiều hộ gia đình trồng đậu đen xanh lòng, cây dược liệu trên địa bàn xã Tứ Quận và các xã lân cận, cho doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế đạt trên 900 triệu đồng/năm; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 700 triệu đồng.

Thiết bị dây chuyền sản xuất trà túi lọc từ hạt đậu đen của HTX nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận (Yên Sơn).

Anh Ma Ngọc Thành, HTX nông lâm nghiệp Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, HTX được thành lập từ năm 1978, đến năm 2014 chuyển sang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, khắc phục mọi khó khăn, HTX đã tái cơ cấu sản xuất, xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh cụ thể, liên kết với các hộ dân, doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX đã hoạt động ổn định với 17  thành viên tham gia, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Các ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp vật tư nông nghiệp; giống cây trồng, vật nuôi, sơ chế nông sản, chăn nuôi gia súc, dịch vụ công ích; quản lý khai thác công trình nước sạch, chợ nông thôn.

Đến nay, xã Thổ Bình đã hình thành vùng liên kết sản xuất lạc thương phẩm trên địa bàn xã với diện tích trên 250 ha, sản lượng hàng năm trên 1.300 tấn, doanh thu từ cây lạc hằng năm đạt trên 800 triệu đồng/năm. Nâng cao giá trị từ cây lạc, HTX đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị bảo quản, sơ chế lạc và ép tinh dầu lạc. Hiện tinh Dầu lạc Thổ Bình đạt OCOP 4 sao; sản phẩm lạc củ, lạc nhân và dê núi được xếp hạng OCOP 3 sao.

Thúc đẩy liên kết sản xuất

Toàn tỉnh hiện có trên 100 HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP với hơn 150 sản phẩm được sếp hạng từ 3 sao trở lên, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có hơn 600 hợp tác xã, với trên 13.000 thành viên; bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; có trên 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Sản phẩm bột rắc cơm Lâm Bình của HTX nông lâm, nông nghiệp Lâm Bình.

Liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập. Anh Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) hồ hởi nói, HTX được thành lập vào năm 2017 với 16 thành viên, thực hiện 2 chuỗi liên kết chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm và chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dưa chuột. Đến nay HTX có gần 40 thành viên tổ chức sản xuất và ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ dưa chuột với trên 1.200 hộ trồng với 170 ha dưa chuột trên địa bàn tỉnh. HTX cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng theo hợp đồng ký liên kết. Hàng năm doanh thu của HTX đạt trên 2,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng.

Còn với anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chè, tạo ra những sản phẩm khác biệt. Năm 2017, anh Sử cùng 6 hộ dân thành lập HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, chuyên trồng, chế biến chè. Sau 7 năm phát triển, HTX đã nâng diện tích sản xuất lên hơn 30 ha chè, tạo việc làm cho trên 30 lao động. Cùng với đó, HTX đã xây dựng diện tích khoảng 60 ha liên kết với trên 100 hộ dân tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang. Theo tính toán của HTX, với tổng diện tích chè lên đến gần 100 ha, tổng sản lượng chè trung bình đạt 125 tấn nguyên liệu/năm, toàn bộ diện tích được áp dụng theo quy chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình, các hộ dân đều phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). 

Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP của tỉnh Tuyên Quang được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. 

Với sự đồng hành của các cấp chính quyền, HTX được tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi, kết nối được với một số doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm. HTX cũng đã mạnh dạn đã chuyển đổi giống chè mới có năng suất, chất lượng như chè Ngọc Thúy, chè Bát Tiên... Nhờ vậy, sản phẩm chè của HTX được thị trường đón nhận, thu nhập của các thành viên HTX và người lao động luôn ổn định.

Phát huy vai trò kinh tế tập thể thúc đẩy liên kết sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được các địa phương trong tỉnh triển khai thông qua mô hình HTX, tổ hợp tác; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện nên số lượng HTX tham ra vào chuỗi liên kết ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng tăng và phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Theo Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang