Yên Sơn nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Thứ 2, ngày 6 tháng 5 năm 2024 - 08:12

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua huyện Yên Sơn đã gặt hái những thành công nhất định, các sản phẩm OCOP sau khi được phân hạng giúp nâng cao giá trị, tăng doanh số bán hàng cho các chủ thể và mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, đưa nông sản của địa phương trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.


Huyện Yên Sơn dẫn đầu các huyện, thành phố về số lượng OCOP với 68 sản phẩm.

Những năm qua, huyện Yên Sơn đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Yên Sơn có 49 sản phẩm được chuẩn hóa, bước đầu các sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Yên Sơn có nhiều sản phẩm có tiềm năng OCOP, các sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Trong khi đó, người dân và chủ thể mong muốn được chuẩn hóa sản phẩm, các chủ thể nhận thức được việc này nên có được nhiều thuận lợi khi triển khai. 

Ông Trần Việt Côi, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận, (Yên Sơn) cho hay, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, HTX luôn chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ; thiết kế bao bì sản phẩm; đa dạng hóa sản phẩm... Hiện HTX đã mở rộng liên kết thêm nhiều hộ sản xuất khác để trồng cây dược liệu, cây ăn quả và nuôi ong lấy mật. Vùng nguyên liệu của HTX khoảng trên 21 ha, trong đó chủ yếu trồng cây dược liệu và cây ăn quả như: Đu đủ đực, ba kích, xạ đen, cà gai leo, cây khôi nhung, hồng xiêm, xoài, ổi, lê, cam vinh… Trong đó, có 4 ha vùng trồng được chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, HTX đã sản xuất được 14 sản phẩm nông sản bao gồm các loại: Trà túi lọc, mật ong và các sản phẩm từ mật ong và cây dược liệu. Trong đó, có 7 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao năm 2023 gồm: Trà Đậu Đen xanh lòng Bình Minh, Trà Cà gai leo xạ đen Bình Minh, Trà Ổi Bình Minh, Trà Sâm hoa đu đủ xạ đen Bình Minh, Hoa đu đủ đực sấy lạnh Bình Minh, Hoa đu đủ đực ngâm mật ong Bình Minh, Ổi lê Bình Minh. Nhờ đạt chứng nhận OCOP các sản phẩm của HTX cũng được người tiêu dùng tin tưởng hơn, giá trị cao hơn trước.

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản hữu cơ của huyện Yên Sơn được bày bán tại tầng 2, VincomPlaza Tuyên Quang.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng chia sẻ, HTX có 7 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm 3 sao. Sau khi được chứng nhận OCOP, cơ hội tiếp cận thị trường cũng lớn hơn, tiêu thụ dễ dàng hơn; giá trị được nâng lên khoảng 10% so với trước đây.

Chia sẻ về giải pháp thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện, ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Phòng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý từ huyện đến xã hiểu rõ về Chương trình OCOP; lồng ghép nhiều nguồn vốn để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất hàng hóa, bao bì sản phẩm. Cùng với đó, hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu, chỉ đạo các xã hỗ trợ chủ thể xây dựng các vùng nguyên liệu, cơ sở sản xuất đóng gói, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc; cuối năm tham gia đánh giá phân hạng... Nhờ đó, đến hết năm 2023, Yên Sơn có 68 sản phẩm được công nhận OCOP; dẫn đầu tỉnh về số lượng sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã về các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các gian hàng OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm hành chính...; tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm lợi thế nhất là những đặc sản, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển sản phẩm mới... Qua đó, tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương. 

Theo Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh