TUYÊN QUANG KHƠI DẬY NHỮNG TIỀM NĂNG

Thứ 5, ngày 8 tháng 4 năm 2021 - 21:36

Tuyên Quang, vùng đất có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng. Một vùng đất với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp mang nét đặc trưng riêng. Những lợi thế đó đang được tỉnh Tuyên Quang khơi dậy để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng đến mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho người dân.


     Tỉnh Tuyên Quang trao giấy chứng nhận cho 17 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.

     Chương trình Ocop được triển khai đã và đang đánh thức các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Tuyên Quang, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn. Gần 460 sản phẩm lợi thế của các địa phương ở Tuyên Quang có khả năng trở thành sản phẩm OCOP.

      79 sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm đã được tỉnh lựa chọn để hỗ trợ tiêu chuẩn hóa theo chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã được công nhận là sản phẩm ocop.

     Các sản phẩm này đang được kỳ vọng sẽ nâng tầm giá trị, mở ra cơ hội để người dân ở tỉnh Tuyên Quang có thể đưa những sản phẩm nông nghiệp địa phương vươn xa trên thị trường và trở thành nguồn sinh kế bền vững.

       Na Hang, một vùng đất có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Với 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn ocop, trong đó có 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao đã đưa vùng đất rẻo cao này trở thành địa phương có nhiều sản phẩm được gắn sao nhất trong toàn tỉnh.      

      Nằm ở độ cao trên 1 nghìn mét so với mặt nước biển, xã Hồng Thái huyện Na Hang được ví như một Sa Pa của Tuyên Quang bởi cảnh sắc và khí hậu đặc biệt nơi đây. Ở một xã vùng sâu và vùng xa được đánh giá là có nhiều khó khăn trở ngại…. xong, vùng đất với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng này đã tạo ra những sản vật không phải nơi nào cũng có được. Trên vùng đất này hiện có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao gồm Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá và Chè shan tuyết Hồng Thái Lộc Trà. Ngoài ra, Hồng Thái còn 4 sản phẩm khác được xếp hạng 3 sao, là Bí Xanh thơm; Rau Bắp Cải; Quả Lê Khâu Tràng và Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 2 lá  đã mang lại niềm tự hào cho địa phương.

        Ngoài 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop của xã Hồng Thái, trên địa bàn huyện Na Hang còn 9 sản phẩm Ocop khác, đó là Chè Shan Tuyết Sinh Long Việt Dũng, rượu ngô Na Hang Trung Phong thị trấn Na Hang; bún khô xã Đà Vị; Rượu Ngô men lá Thức Mần, Sơn Phú xã sơn Phú; Rượu Ngô Na Hang của xã Sinh Long; các sản phẩm từ cá như cá lăng chiên xù; chả cá lăng; Cá Lăng cắt khúc; Cá Lăng phi lê của Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam, mở ra những triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

       Lâm Bình, vùng đất của vẻ đẹp thiên nhiên của những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng…. của bản sắc văn hóa các dân tộc. Từ những lợi thế đặc trưng ấy, huyện Lâm Bình đã lựa chọn được những sản phẩm dịch vụ nông nghiệp lợi thế, có điều kiện để xây dựng thành sản phẩm Ocop. Ở huyện vùng 135 này hiện đã xây dựng được 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop gồm Rượu thóc Lâm Bình của xã Bình An; Giảo cổ lam Lâm Bình; Rau bò khai Lâm Bình; Thịt dê núi Thổ Bình; lạc nhân Thổ Bình, lạc củ Thổ Bình, Chè Shan Khau Mút của xã thổ Bình; sản phẩm du lịch Homestay Nặm Đíp của xã Lăng Can, Homestay Nà Muông xã Khuôn Hà và Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm, trong đó sản phẩm du lịch Homestay 99 ngọn núi được xếp hạng 4 sao.

Ở huyện vùng cao này, chương trình OCOP đang đi vào cuộc sống, từng bước tạo ra những thay đổi trong từng sản vật của địa phương cũng như tư duy của mỗi người dân. Dù chưa có nhiều sản phẩm Ocop nhưng với việc triển khai một cách bài bản, cụ thể và có sự hưởng ứng, tâm huyết của người dân, sự vào cuộc và quyết tâm cao của chính quyền địa phương, chương trình mỗi xã một sản phẩm đang mở ra những triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương còn nhiều khó khăn này.

      Chiêm Hóa, một vùng đất có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng biết đến và lựa chọn…. Là huyện có tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực và khí hậu thuận lợi để phát triển sản xuất. Huyện Chiêm Hóa khơi dậy và phát huy nhưng lợi thê này để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp với sự đa dạng về chủng loại, chất lượng cao, đưa sản phẩm nông nghiệp của địa phương vươn xa trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Chiêm Hóa có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop, trong đó có sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa của thị trấn Vĩnh Lộc và sản phẩm lạc nhân xã Phúc Sơn được xếp hạng 4 sao; Còn lại 12 sản phẩm được xếp hạng 3 sao gồm Cá kho Mạnh Mẽ xã Hòa Phú, Chè Pà Thẻn; Chè đinh Pà Thẻn của xã Linh Phú; Rượu nếp cất 2 lần Ông Chấp thị trấn Vĩnh Lộc; Cam sành của xã Trung Hà; Cam sành Hà Lang; Thịt trâu Hùng Mỹ; Rượu Chuối Kim Bình; Lạc củ Chiêm Hóa xã Phúc Sơn và các sản phẩm Cá Chiên; các quất, cá bỗng của xã Yên Nguyên. Tất cả đã và đang tạo dựng nên một Chiêm Hóa với nhiều sản vật quê bình dị, độc đáo của địa phương, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng riêng của vùng miền, sản phẩm có quy mô sản xuất lớn và có tiềm năng thị trường tiêu thụ.

      Hàm Yên, vùng đất với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, đã tạo ra những sản vật riêng không phải nơi nào cũng có được, một trong số đó là sản phẩm cam sành nổi tiếng trên thị trường trong cả nước. Hấp thụ những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát, trong lành, cam Hàm Yên mang hương vị đặc trưng riêng, vị ngọt mát và có giá trị dinh dưỡng cao. Năm 2013, cam sành Hàm Yên lọt vào tốp 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Năm 2014, đạt danh hiệu “sản phẩm vàng nông nghiệp Việt Nam”.  Năm 2015, Cam sành Hàm Yên được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam”.  Năm 2016 và năm 2019, được bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

     Tháng 10 năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4010 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa cho sản phẩm cam sành “Hàm Yên” và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Cam sành Hàm Yên nay đã trở thành sản phẩm Ocop xếp hạng 4 sao và việc xây dựng thành công Dự án chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” dùng cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên sẽ góp phần nâng cao vị thế, danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng hạn chế hiện tượng hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

     Ngoài sản phẩm cam sành Hàm Yên, vùng đất với những tinh hoa từ đất trời và công sức lao động của người dân đã tạo nên nhiều sản vật mang nhãn hiệu Ocop khác như sản phẩm Bưởi diễn Đức Ninh của Hợp tác xã Rau quả an toàn xã Đức Ninh; sản phẩm Chè Tân Thái Dương 168 và Chè nõn Tân Thái Dương 168 của Hợp tác xã Chè Tân Thái 168; Chè xanh Làng Bát Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát  xã Tân Thành và sản phẩm vịt bầu Minh Hương của Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương, xã Bình Xa.

     Thiên nhiên ưu đãi cho huyện Yên Sơn tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: chè, cam, bưởi, chăn nuôi đại gia súc phát triển đàn ong lấy mật. Thời gian qua, huyện đã tập trung hỗ trợ, phát triển hoàn thiện và chuẩn hóa 15 sản phẩm của 8 chủ thể, có 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 10 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

      Các sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng 4 sao gồm: chè xanh Ngọc Thúy đinh; chè xanh Ngọc Thúy nõn; Chè xanh Ngọc Thúy và Trà Ngọc Thúy của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh xã Mỹ Bằng. sản phẩm Thịt trâu khô Tiến Thành của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang ở xã Hoàng Khai.

     Các sản phẩm được xếp hạng 3 sao gồm: Chè xanh Phú Lâm; Chè xanh Phú Lâm đinh; Chè xanh Phú Lâm nõn của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh xã Mỹ Bằng; sản phẩm Bưởi đường Xuân Vân của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Xuân Vân; sản phẩm Bưởi đường đặc sản Phúc Ninh của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Phúc Ninh; sản phẩm Cam đường Phúc Ninh của Hợp tác xã trái cây hữu cơ Phúc Ninh, xã Phúc Ninh; Sản phẩm măng khô Cường Đạt của Hợp tác xã Cường Đạt, xã Tân Long; sản phẩm Mật ong rừng Bình Ca; Mật ong nhãn Bình Ca của Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hùng Hậu, xã Thái Bình; sản phẩm Măng khô Tân Tiến của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Tân Tiến, xã Tân Tiến. Những sản phẩm đã được chứng nhận về chất lượng sản phẩm nên khi đưa ra thị trường tiêu thụ luôn được giá và được khách hàng tín nhiệm lựa chọn.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Sơn Dương đã khai thác thế mạnh từ các làng nghề truyền thống của địa phương để phát triển sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đến nay, ở Sơn dương đã có 10 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, cấp sao trong Chương trình OCOP.

      Với 3 sản phẩm Ocop được xếp hạng 4 sao gồm sản phẩm Trà xanh hữu cơ Trung Long Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long xã Trung Yên; Chè xanh Tâm Trà của Hợp tác xã sản xuất chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào và sản phẩm Dầu lạc Trường Thịnh của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Trường Sinh, xã Trường Sinh.

       7 sản phẩm được gắn 3 sao gồm các sản phẩm Chè xanh Trung Long của Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên; Bột sắn dây Thục Sơn của Hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây thị trấn Sơn Dương; sản phẩm Tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát Thôn Phú Lương, xã Cấp Tiến; sản phẩm Bưởi sáu ba của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Chi Thiết Xã Chi Thiết; Nấm sò tươi của Hợp tác xã nấm sạch Bình Yên, xã Bình Yên; Gạo đặc sản La Khai của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Minh Thanh, xã Minh Thanh và sản phẩm Chả mỡ Tuấn Béo, thị trấn Sơn Dương.

       Với những sản phẩm Ocop được gắn sao là tiền đề để huyện tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông thôn.

       Thành phố Tuyên Quang hiện 8 sản phẩm nông sản được xếp hạng từ 3 đến 4 sao nằm trong danh mục chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh. Sau khi triển khai chương trình OCOP, từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, đến nay TP Tuyên Quang đã quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, hình thành lên các sản phẩm mang thương hiệu, có tính chất hàng hóa cao.

      Với lợi thế sẵn có về giao thông đường thủy và đường bộ, đất đai trù phú với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có, TP Tuyên Quang đã thực hiện quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ phát triển các mô hình thế mạnh, sản phẩm OCOP tiềm năng, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường như: Vùng nuôi trồng thủy sản; trồng cây ăn quả, nuôi ong...

      Để khuyến khích doanh nghiệp, HTX mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, TP Tuyên Quang đã dành sự ưu tiên, đầu tư đặc biệt cho nhóm sản phẩm có chất lượng và tiềm năng phát triển, đạt sản phẩm Ocop cấp tỉnh như sản phẩm Bưởi Tiến Vua Thái Long; Bưởi đào Thái Long của Hợp tác xã cây ăn quả Quang Vinh xã Thái Long. Các sản phẩm từ cá đặc sản như Cá Lăng nguyên con, Cá Lăng phi lê, Cá Lăng cắt khúc của Công ty TNHH MTV Thủy sản Đức Nguyên, phường Minh Xuân; sản phẩm hồng mọng Tràng Đà của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tràng Đà và sản phẩm Mật ong hoa rừng của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang đã được gắn 3 sao. Riêng Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ có thêm sản phẩm mật ong hương rừng được gắn 4 sao. Các sản phẩm OCOP của TP đang ngày càng hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã, được người dân trong tỉnh và trong cả nước tin dùng.

       Chương trình OCOP đã và đang giúp người dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất để tạo thêm sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

     Với nhiều làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp tỉnh, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn  mới.

      Tuyên Quang đang kỳ vọng, từ chương tình Ocop, hình thành, phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ truyền thống, có lợi thế theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với định hướng thị trường và OCOP sẽ tạo cú huých nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong tỉnh./.

Nguyễn Hải (Tổng hợp).