Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng phát triển các vùng nông sản hàng hóa tập trung, khuyến khích người nông dân đầu tư khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng, từ đó xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đến nay tỉnh Tuyên Quang có 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Nó có thể là những từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Thông qua chỉ dẫn địa lý, có thể nhận biết một khu vực địa lý cụ thể gắn liền với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng có của sản phẩm mà chỉ ở nơi ấy mới có.
Lợi ích của chỉ dẫn địa lý: Trước hết, đây là điều kiện phát huy các lợi thế riêng của một địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải... Chỉ dẫn địa lý được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng phát triển các vùng nông sản hàng hóa tập trung, khuyến khích người nông dân đầu tư khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng, từ đó xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh có 16 hàng hóa, dịch vụ được cấp Văn bằng bảo hộ. Nâng số sản phẩm, dịch vụ của tỉnh được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đến nay lên 307 sản phẩm, dịch vụ. Trong đó có, 4 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, gồm: Cam sành Hàm Yên, Bưởi Soi Hà, Chè Shan tuyết Na Hang và Rượu ngô men lá Na Hang.
1. Chỉ dẫn địa lý Cam Sành “Hàm Yên”
Ngày 07/10/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4010/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00086 cho sản phẩm cam sành “Hàm Yên”. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Cây cam sành đã được trồng từ lâu trên vùng đất Hàm Yên, trong đó sớm nhất là trên đất Phù Lưu. Người dân ở đây thường quen gọi là cam bản Mường. Vào khoảng năm 1890, hai người dân tộc trong lúc đi bẫy thú ở núi Quan Tiên, bản Mường đã nhìn thấy một loại cây có gai nhọn, lá thơm, có một số quả đã chín vàng. Hái ăn thử thấy có mùi vị ngon và thơm mát họ bèn mang hạt về trồng ở vườn nhà. Từ đó, cây cam sành phát triển giúp đồng bào các dân tộc có thu nhập ổn định, từ bỏ lối sống du canh, du cư trước đây. Cây cam sành dần dần đã trở thành nguồn thu chính của nhiều hộ gia đình, hoạt động sản xuất cam sành gắn liền với đời sống, tập quán của người dân. Cam sành Hàm Yên được người tiêu dùng ưa chuộng và đã được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam trong nhiều năm, cụ thể: Cam sành Hàm Yên được bình chọn là một trong 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam năm 2012, được bình chọn Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013, được tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013, được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng Việt Nam năm 2016 và bình chọn là Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2015 và năm 2019.
Cam Hàm Yên có mùi thơm đặc trưng của tinh dầu cam, trọng lượng quả từ 280,41 gram đến 344,89 gram, đường kính quả từ 8,04 cm đến 9,20 cm, chiều cao quả từ 6,08 cm đến 7,80 cm. Cam Hàm Yên vỏ mỏng, độ dày vỏ từ 3,20 mm đến 5,99 mm, màu vàng cam đậm, căng bóng và ít sần sùi hơn sản phẩm cùng loại. Vị cam Hàm Yên ngọt thanh, chua nhẹ, không gắt, không chát. Hàm lượng nước trong cam sành Hàm Yên khá lớn từ 86,14 % đến 91,99 %, hàm lượng axit tổng số từ 0,60 % đến 0,99 %, hàm lượng đường tổng số từ 8,00 % đến 9,87 %, hàm lượng vitamin C từ 40,21 mg/100g đến 49,97 mg/100g, độ Brix từ 9,03 obx đến 10,96 obx.
Cam sành Hàm Yên được trồng ở xã Yên Thuận, xã Bạch Xa, xã Minh Khương, xã Yên Lâm, xã Minh Dân, xã Phù Lưu, xã Minh Hương, xã Yên Phú, xã Tân Thành, xã Bình Xa, xã Thái Sơn, xã Nhân Mục, xã Thành Long, xã Bằng Cốc, xã Thái Hoà, xã Đức Ninh, xã Hùng Đức và thị trấn Tân Yên thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Đây là khu vực có địa hình đặc trưng với 2 dãy núi cao và thung lũng bị chia cắt mạnh, độ cao trung bình 650 mét trên mực nước biển, trên nền đất đỏ vàng phong hóa từ đá sét và đá mắc ma có tầng canh tác dày > 70 cm, có độ phì tự nhiên từ trung bình đến cao, giữ nước tốt, giúp cây cam sành sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Khí hậu vùng trồng cam sành Hàm Yên phân thành 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Nhiệt độ trung bình năm 23oC, tổng tích ôn hàng năm 8.200 - 8.400oC, lượng mưa trung bình năm 1.600 - 1.800 mm, tập trung nhiều vào mùa mưa giúp cây cam sành phát triển quả thuận lợi, mùa khô có độ ẩm thấp, lượng mưa ít, nhiệt độ thấp phù hợp với quá trình thu hoạch quả và ra hoa, đậu quả cho mùa vụ tiếp theo. Biên độ nhiệt ngày đêm lớn giúp quả cam sành có vỏ mỏng hơn cam sành vùng khác, màu sắc và độ bóng cũng có sự khác biệt và hàm lượng vitamin C cao. Điều kiện khí hậu kết hợp với các yếu tố về thổ nhưỡng, chịu sự ảnh hưởng lớn của địa hình giúp cho vùng trồng cam Hàm Yên có đầy đủ các yếu tố để tạo ra sản phẩm cam sành có chất lượng đặc thù.
Bên cạnh yếu tố tự nhiên phù hợp, tập quán canh tác của người dân địa phương như chọn giống thuần chủng, sạch bệnh được lai tạo và nuôi cấy trong nhà lưới và tuân thủ quy trình canh tác nghiêm ngặt cũng góp phần tạo nên đặc thù và danh tiếng của sản phẩm cam sành Hàm Yên.
2. Chỉ dẫn địa lý bưởi Soi Hà
Ngày 15 tháng 9 năm 2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4031/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00109 cho bưởi Soi Hà. Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Soi Hà là tên một thôn thuộc xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, nổi tiếng với giống bưởi đường quý hiếm. Cây bưởi ở Soi Hà có cách đây trên 40 năm, từ 3 cây bưởi tổ (giống bưởi đường) sau đó được nhân giống phát triển đến nay. Cây bưởi Soi Hà chinh phục được thực khách bởi hương vị thơm ngon, đặc trưng riêng có và vinh dự lọt vào top 10 thương hiệu nổi tiếng năm 2018.
Bưởi Soi Hà khi chín có vỏ màu vàng nhạt, nhẵn, mùi thơm. Tôm bưởi trắng trong và óng, ráo nước, ngọt hậu vị, không the đắng, không lẫn chua.
Quả bưởi Soi Hà có chiều cao từ 13,10 – 14,10 cm, đường kính quả từ 13,10 – 14,30 cm, khối lượng quả từ 898 – 1013 g, tỷ lệ phần ăn được từ 55,50 – 63,30%.
Sản phẩm có độ Brix từ 10,78 – 12,42%, axit hữu cơ tổng số từ 0.09 – 0,16%, đường tổng số từ 8,98 – 10,85%.
Các tính chất đặc thù của bưởi Soi Hà có được là nhờ các đặc thù về điều kiện địa lý. Khu vực địa lý có độ dốc vừa phải, nằm dọc theo sông Lô và sông Gâm. Đất đai tại đây được phù sa bồi đắp hằng năm, tầng đất dày trên 1 mét, giàu mùn, độ pHKCL dao động từ 5,3 đến 6,5, chỉ tiêu CEC trong đất dao động từ 39,7 đến 42,8 meq/100g, hàm lượng lân dễ tiêu dao động từ 13,5 đến 20,2 mg/100g, hàm lượng Kali dễ tiêu dao động từ 24,3 đến 37,1 mg/100g.
Ngoài ra các phương pháp sản xuất đặc biệt của người dân tại khu vực địa lý cũng góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù cho bưởi Soi Hà. Sản phẩm được đặc biệt chú trọng về khâu lựa chọn giống. Đây là giống bưởi ngọt (bưởi đường) được tuyển chọn từ cây đầu dòng do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Quy trình canh tác sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ vì vậy quả bưởi Soi Hà có vị thơm mát tự nhiên.
Khu vực địa lý: các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn, thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
3. Chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết “Na Hang”
Ngày 23/4/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00104 cho sản phẩm chè Shan tuyết “Na Hang”. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ hai của tỉnh Tuyên Quang được bảo hộ sau chỉ dẫn địa lý cam sành “Hàm Yên”. Ủy ban nhân dân huyện Na Hang là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Chè Shan tuyết Na Hang là một sản phẩm có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Những năm trước cách mạng tháng 8, nhận thấy giá trị của những cây chè cổ thụ tại Na Hang, người Pháp đã bắt dân phu lên núi hái chè. Khi thu hoạch, dân phu trong vùng phải sao chè rồi dùng ngựa thồ chè đến đồn Pháp ở xã Hồng Thái (huyện Na Hang).
Chè Shan tuyết Na Hang được mọc tự nhiên hoặc được bà con trồng quảng canh ở độ cao trung bình từ 800 - 1000m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm 85% nên chè Shan tuyết có nhiều tuyết trắng. Sản phẩm có màu đen xanh hơi xám bạc, khi pha chè nước có màu xanh sáng, vị chát dịu và rõ hậu ngọt khi uống.
Chè Shan tuyết Na Hang có hàm lượng chất hòa tan từ 31,23 - 33,33%, hàm lượng tanin từ 28,12 - 29,97%, hàm lượng catechin tổng số từ 148,14 - 168,51 mg/g, hàm lượng Epigalocatechin galat (EGCG) từ 0,87 - 0,89%, hàm lượng tro từ 4,70 - 5,90%.
Để có một loại chè thành phẩm ngon, trước hết nguyên liệu chế biến (búp chè tươi) phải có chất lượng tốt. Chất lượng búp chè phụ thuộc vào thành phần các chất có trong lá chè, là kết quả của một chuỗi quá trình tác động và trao đổi chất giữa cây chè với môi trường xung quanh và giữa các yếu tố nội tại trong cây.
Na Hang mang đặc trưng của một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, địa hình bị chia cắt mạnh có nhiều núi cao hiểm trở và nhiều thung lũng. Các xã trồng chè Shan tuyết Na Hang nằm ở độ cao lớn, đặc biệt xã Hồng Thái có điểm cao nhất trên 1200m, nhờ vậy, hàm lượng tanin và chất hòa tan trong chè Shan tuyết Na Hang cao. Điều này được lý giải do tại những vùng núi cao, tia cực tím có bước sóng ngắn bị hấp thụ bởi khí quyển nhiều hơn. Hơn nữa, ở những vùng núi cao thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ không khí quanh năm bị hạ thấp vào ban đêm (dưới 150C) cho nên búp chè thường tích luỹ hương thơm mạnh hơn, hàm lượng Tanin và Chất hoà tan trong lá chè càng lớn .
Do ở độ cao lớn nên huyện Na Hang có khí hậu mát mẻ quanh năm, độ ẩm không khí trung bình năm 85%, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn (từ 10 - 15oC). Sự chênh lệch về biên độ ngày đêm lớn là một trong những điều kiện thuận lợi để cây chè Shan tuyết Na Hang trao đổi chất, tích lũy dưỡng chất tạo ra hương vị riêng của chè Shan tuyết Na Hang.
Đặc tính của chè Shan tuyết Na Hang có được không chỉ do tác động của độ cao địa hình, khí hậu, mà còn do đặc điểm thổ nhưỡng và phương pháp sản xuất đặc thù. Cụ thể là giống chè Shan tuyết đưa vào canh tác tại khu vực địa lý là những cây chè được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn từ cây đầu dòng. Đất trồng tại huyện Na Hang có hàm lượng các chất đa lượng và trung lượng thấp hơn so với đất trồng tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Hàm lượng các chất đa lượng và trung lượng trong đất trồng chè thấp một phần do khí hậu mát mẻ quanh năm nên quá trình phong hóa của đất bị chậm lại, và một phần do người dân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học. Chất đa và trung lượng trong đất thấp thì cây hấp thu ít, đây là một trong những nguyên nhân không làm tăng hàm lượng chất Tro trong chè Shan tuyết Na Hang (Tro càng thấp thì chè Shan tuyết càng ngon).
Nhờ những yếu tố tự nhiên và kinh nghiệm có được của người dân trồng chè Shan tuyết đã tạo nên sản phẩm có chất lượng, là niềm tự hào của người dân Na Hang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung.
Khu vực địa lý: Xã Sinh Long, xã Thượng Giáp, xã Thượng Nông, xã Hồng Thái, xã Khâu Tinh, xã Sơn Phú thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
4. Chỉ dẫn địa lý rượu ngô men lá “Na Hang”
Ngày 22/02/2023, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 519/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00128 cho sản phẩm rượu ngô men lá“NA HANG”. Ủy ban nhân dân huyện Na Hang là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Rượu ngô men lá Na Hang là một sản phẩm có từ lâu đời và nổi tiếng của huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang. Năm 2009, tại thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, trong khuôn khổ tuần lễ Văn hóa - Du Lịch “Về với xứ Tuyên - 2009”, UBND huyện Na Hang đã công bố kỷ lục Việt Nam mới do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là Hũ rượu ngô men lá lớn nhất Việt Nam. Hũ rượu có thể tích 2.500 lít, đựng trong chiếc bình cao 2,9m, được sản xuất theo công thức độc đáo của đồng bào địa phương. Cũng trong năm 2009, sản phẩm rượu ngô men lá Na Hang còn được xác nhận xếp thứ 2 “Tốp 10 đặc sản rượu nổi tiếng Việt Nam lần thứ 3” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập.
Mùi thơm của men lá và ngô, vị cay êm dịu là đặc thù cảm quan khiến rượu ngô men lá Na Hang níu chân du khách mỗi khi đến với huyện Na Hang.
Hàm lượng Ethanol (% thể tích ở 20oC) trong rượu ngô men lá Na Hang từ 25 - 35, hàm lượng Methanol (mg/l ethanol 100o) từ 1.562 - 1.623, hàm lượng Aldehyde (mg/l ethanol 100o) từ 4,12 - 4,49, đặc thù chất lượng này tạo cho người uống cảm giác êm hơn, không gây đau đầu, không gây hại cho sức khoẻ con người khi dùng đủ lượng.
Đồng bào các dân tộc trong huyện Na Hang với kinh nghiệm hàng trăm năm làm men và nấu rượu đã đúc kết được những kinh nghiệm truyền thống để làm được một mẻ rượu ngô men lá có tính đặc thù như trên.
Nguyên liệu sản xuất rượu ngô men lá Na Hang là quả men lá, ngô hạt khô và nước suối.
Muốn rượu thơm ngon thì đầu tiên phải có loại men hảo hạng, loại men được tổng hợp từ 38 loại cây thảo mộc sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm, biên độ nhiệt độ ngày đêm trung bình các tháng lớn (từ 10 - 15oC), độ ẩm không khí trung bình năm là 85%. Sự chênh lệch về biên độ ngày đêm lớn là một trong những điều kiện thuận lợi để các loại cây thảo mộc và cây ngô trong huyện Na Hang tích lũy dưỡng chất tạo ra hương vị riêng của rượu ngô men lá Na Hang. Ngoài ra, khí hậu mát mẻ quanh năm còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm quả men lá.
Bằng lịch sử sản xuất lâu đời, người dân tại huyện Na Hang đã tìm ra được tỉ lệ của từng nguyên liệu đưa vào sản xuất quả men lá, đảm bảo hũ rượu Na Hang có mùi thơm rõ rệt của men lá.
Nguyên liệu chiếm khối lượng nhiều nhất trong 38 loại cây thảo mộc là củ Giềng Đỏ (khoảng 3kg), sau đó là cây Keng Nộc Khoa (khoảng 1,5kg), tiếp theo là dây cây Khau Pùng và cây Nhân Trần (khoảng 1 kg/loại cây), cây Cam Thảo Nam (khoảng 0,8kg), thân cây Sơn Thục và cây Mã Đề (khoảng 0,4 kg/loại cây).
13/38 cây thảo mộc có khối lượng khoảng 0,3kg/loại cây, bao gồm: Vỏ cây Khau Vi, Dây và lá cây Chuối Nuồm, vỏ và rễ cây Lạc Đẻo, dây cây Thâu Tài Pậu, cây Mía Giò, vỏ và lá cây Tham Chàng, vỏ và rễ cây Đứa Póong, cây Nậu Ao, vỏ và rễ, lá cây Phết Đông, cây Sâm Bùa, gốc cây Nò Nghiều, vỏ của rễ cây Lạc Pài Đổng, cây Nhả Hèo.
10/38 cây có khối lượng khoảng 0,2kg/loại cây: Cây Thạch Xương Bồ, rễ và mầm cây Sa Nhân, cây Gừng, vỏ và rễ cây Cán Cuông, vỏ và lá cây Tẳng Tó, lá cây Mít, cây Nét Tỳ Po, cây Lạc Đăm, dây và lá cây Trầu Không, dây và lá cây Nhả Đông.
04/38 cây có khối lượng khoảng 0,1kg/loại cây: Vỏ và rễ cây Mạt Vài, lá cây Men, lá cây Bưa Hấc, củ Sả.
Chiếm khối lượng ít hơn các loại cây thảo mộc trên là thân và lá cây rau răm với khoảng 0,06kg, vỏ và lá quế với hoa riềng mỗi loại cây có khối lượng khoảng 0,05kg/loại cây, và ít nhất là quả tiêu với khối lượng khoảng 0,03kg.
Nước đun sôi để nguội của 38 loại cây thảo mộc được trộn với bột gạo theo tỉ lệ khoảng từ 2-2,5 lít nước/10kg bột gạo. Sau khi trộn, người dân tiến hành nặn thành quả men lá với khối lượng trung bình khoảng từ 20 - 30 gram/quả. Xếp quả men lá vào nong, nia và ủ ấm để lên men cho đến khi quả men khô là sử dụng được.
Ngoài quả men lá nêu trên, chất lượng nguyên liệu ngô hạt cũng là yếu tố quan trọng tạo ra chất lượng rượu ngô men lá thơm ngon. Ngô đưa vào sử dụng phải là những hạt ngô được trồng trên địa bàn huyện Na Hang. Hạt ngô sau khi thu hoạch được phơi khô. Trước kia, người dân dùng răng cắn để cảm nhận độ ẩm của hạt ngô. Cắn thấy mềm là hạt ngô có độ ẩm cao, do đó, chưa đủ điều kiện đưa vào lưu trữ để có thể sản xuất rượu quanh năm. Ngày nay, để đảm bảo độ ẩm hạt ngô, người dân đã dùng máy đo độ ẩm. Khi hạt ngô đạt độ ẩm khoảng 15% mới được đưa vào cất trữ và đem sử dụng dần trong quá trình nấu rượu.
Để đảm bảo rượu ngô men lá Na Hang có mùi thơm của ngô, người dân tại Na Hang đã có bí quyết là trộn đều hạt ngô đã bung (đun) với nước suối lấy từ các mó nước từ chân núi đá vôi tại huyện Na Hang. Quả men lá đã được giã nhỏ được trộn đều với ngô đã bung (không cần nước) theo tỷ lệ quả men lá/ngô là khoảng 1/17. Sau khi lên men hỗn hợp hạt ngô và quả men lá từ 20 - 22 ngày, bắt đầu chưng cất bằng phương pháp cách thuỷ khoảng 03 giờ. Rượu thu được sẽ được đóng chai tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Khu vực địa lý gồm: xã Thượng Nông, xã Côn Lôn, xã Đà Vị, xã Sơn Phú và thị trấn Na Hang thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Nguyễn Hải (TH)