Na Hang phát triển cây trồng chủ lực

Thứ 6, ngày 24 tháng 4 năm 2020 - 16:40

Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chế biến, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, huyện Na Hang đang tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như rừng trồng, chè Shan tuyết, rau an toàn, đậu tương, đậu xanh để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho nông dân.


UBND huyện đã tiến hành quy hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hóa phù hợp với lợi thế của mỗi địa phương. Diện tích cây trồng chủ lực ngày càng được mở rộng và trở thành hàng hóa mang lại giá trị cao cho người dân. Đến nay, toàn huyện hiện có 29.104 ha rừng trồng tập trung tại các xã Thanh Tương, Năng Khả, Yên Hoa, Côn Lôn; 1.300 ha chè Shan tuyết ở các xã Sơn Phú, Hồng Thái, Sinh Long; 15 ha rau an toàn Hồng Thái, Khau Tinh, Sinh Long và gần 400 ha đậu tương, đậu xanh tập trung ở các xã phía Bắc...


Người dân thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) thu hoạch chè Shan tuyết.

Từ bao đời nay, cây chè Shan tuyết là loại cây trồng chủ lực, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân Sinh Long, Khau Tinh, Hồng Thái. Sinh Long là một trong những địa phương có diện tích chè Shan tuyết nhiều nhất huyện với trên 1.100 ha. Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết Sinh Long đã có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Nhiều hộ dân ở xã Sinh Long có thu nhập cao từ trồng chè. Trước đây gia đình ông Hoàng Văn Lành, thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long trồng chè chủ yếu để phục vụ gia đình. Những năm trở lại đây, gia đình ông đã cải tạo mở rộng diện tích, chủ yếu trồng giống chè bản địa, đến nay gia đình ông có hơn 3 ha chè đã cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí  thu lãi gần 100 triệu đồng.

Nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái là điển hình trong liên kết tiêu thụ sản phẩm chè cho người dân. Năm 2019, Hợp tác xã Sơn Trà đã thu mua chè nguyên liệu của các thành viên trong hợp tác xã và người dân để chế biến, bán ra thị trường gần 10 tấn chè thành phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng; phấn đấu năm 2020 sản xuất, bán ra thị trường 12 đến 15 tấn chè Shan tuyết thành phẩm, doanh thu đạt 4 đến 5 tỷ đồng. Hiện nay các sản phẩm chè Shan tuyết trên địa bàn được tiêu thụ tại các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh...

Cùng với cây chè, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trở thành hướng phát triển kinh tế của bà con xã Khau Tinh và Hồng Thái. Nhiều gia đình có thu nhập khá từ trồng rau an toàn, tạo động lực để người dân làm giàu từ đồng đất quê hương. Nhận thấy điều kiện khí hậu nơi đây phù hợp với trồng rau ôn đới, gia đình chị La Thị Trâm, thôn Khâu Tinh, xã Khau Tinh đã chuyển hơn 400 m2 ruộng bỏ hoang trồng rau bắp cải và su hào theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ được hỗ trợ về giống, vật tư và kỹ thuật trồng, chăm sóc nên chỉ sau hơn hai tháng, các loại rau của gia đình chị phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch. Chị Trâm cho rằng, trồng rau VietGAP yêu cầu cao hơn nhưng mang lại giá trị cao hơn cho người dân. Vụ vừa qua, từ trồng rau an toàn đã cho gia đình chị thu nhập trên 30 triệu đồng. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái (Na Hang) và Tập đoàn VinGroup đã đạt được thỏa thuận và ký kết tiêu thụ sản phẩm rau, quả sạch tại hệ thống siêu thị VinMart trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Đây là tín hiệu mừng giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, huyện Na Hang xác định chỉ mở rộng diện tích cây trồng ở những nơi có đất đai sản xuất tập trung, có điều kiện đầu tư thâm canh, tránh trường hợp phát triển nóng, phá vỡ quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế nông nghiệp; xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm để phát triển thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm trên địa bàn.

Nguồn: Báo Tuyên Quang