Hàm Yên nhân rộng mô hình mía năng suất cao

Thứ 6, ngày 24 tháng 8 năm 2018 - 14:45

Hàm Yên là huyện có diện tích trồng mía đứng thứ 3, năng suất mía đứng thứ 2 trong toàn tỉnh, nhưng có mô hình thâm canh mía năng suất cao nhiều nhất tỉnh. Hiệu quả từ mô hình mang lại, năm nay đã có nhiều hộ đăng ký làm mô hình thâm canh mía năng suất cao, diện tích từ 3 đến 22 ha.


Chị Đoàn Thị Lịch, thôn 3 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên) chăm sóc diện tích mía của gia đình.

Để sản xuất mía bền vững có năng suất, sản lượng ổn định, khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có của vùng nguyên liệu, từng bước đưa tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, thay đổi tập quán canh tác của người trồng mía, huyện xác định việc triển khai xây dựng mô hình thâm canh chăm sóc sớm để đạt năng suất cao là cần thiết. Từ mô hình chăm sóc mía lưu gốc sớm quy mô 16 ha, năng suất bình quân 117 tạ/ha, người trồng mía thu lãi trên 33 triệu đồng/ha niên vụ 2017 - 2018, UBND huyện Hàm Yên đã khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình. Niên vụ 2018 - 2019, toàn huyện có 13 xã đăng ký thực hiện với quy mô 146,5 ha mía, 423 hộ trồng mía tham gia, cao gấp 26 lần so với niên vụ trước.

Theo đó, xã Tân Thành 10 ha, Yên Thuận 7 ha, Nhân Mục 3 ha, Bình Xa 19 ha, Thái Hòa 19 ha, Minh Khương 22 ha, Bằng Cốc 2,9 ha, Thái Sơn 15 ha, Hùng Đức 5,1 ha, Đức Ninh 6 ha, Yên Phú 8,7 ha, Minh Hương 12,8 ha, Thành Long 15,4 ha. Ông Vũ Bình Luận, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, giống mía được sử dụng trong mô hình là ROC10 và ROC22, các hộ tham gia được cho vay trả chậm vật tư phân bón đến cuối vụ thu hoạch, được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 35 lớp hiện trường để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc mía cho 691 hộ.

Minh Khương có 22 ha với 33 hộ tham gia mô hình trồng mía năng suất cao, nhiều nhất trong toàn huyện. Ông Bàn Văn Quý, thôn Ngòi Hợp, xã Minh Khương cho biết, trước kia năng suất mía gia đình ông chỉ đạt khoảng 65 tạ/ha, đến niên vụ 2017 - 2018, ông tham gia mô hình chăm sóc mía lưu gốc sớm năng suất đã tăng lên 125 tạ/ha, tăng 60 tạ/ha so với chăm sóc truyền thống. Ông nhận thấy rằng khi áp dụng kỹ thuật thâm canh chăm sóc sớm, chiều cao của cây mía cao hơn từ 0,2 - 0,4 m/cây, cây to hơn. Hiệu quả kinh tế rõ rệt, ông tiếp tục tham gia mô hình mía năng suất cao và vận động thêm một số hộ dân trong thôn cùng đăng ký thực hiện.

Vườn mía của gia đình chị Đoàn Thị Lịch, thôn 3 Việt Thành, xã Tân Thành đang trong giai đoạn vươn lóng. Năm nay chị trồng mới gần 1 ha mía giống ROC22. Chị chia sẻ, trồng mía là an toàn vì không phải lo lắng đầu ra, vì vậy trước đây gần 1 ha mía được 50 tạ giờ muốn tăng thêm thu nhập buộc phải chăm sóc, thâm canh để tăng lên 70 đến 80 tạ. Chị luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, thực hiện tốt 4 sớm gồm: bạt gốc sớm, cày xả gốc và lọng gốc sớm, dặm gốc sớm, bón phân sớm; chú ý chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Theo quy hoạch vùng mía nguyên liệu của huyện, năm 2018 toàn huyện trồng và chăm sóc 744,1 ha mía. Nhằm tiếp tục mở rộng mô hình trồng mía năng suất cao, huyện đang tích cực tuyên truyền, vận động người trồng mía áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết hợp tác hướng đến phát triển vùng mía nguyên liệu bền vững, thực sự mang lại lợi ích cho người dân.

Theo TQĐT