Cây cam sành được xác định là cây trồng chủ lực không chỉ của Hàm Yên mà còn của tỉnh. Tuy nhiên những năm gần đây diện tích cây cam sành liên tục sụt giảm, điều này đã đặt ra những yêu cầu với ngành Nông nghiệp, huyện Hàm Yên trong việc sớm có giải pháp để giữ ổn định diện tích, thương hiệu loại trái cây này.
Diện tích cam sành sụt giảm
Được đánh giá là một trong vùng có chất lượng cam sành ngon nhất huyện Hàm Yên nhưng hiện nay người trồng cam xã Yên Lâm đang lo lắng một ngày nào đó cây cam sẽ không còn ở lại với người dân nơi đây. Bởi mỗi năm diện tích cây cam cứ ngày một thu hẹp do nhiễm bệnh, chết dần.
Ông Bùi Quang Trung, thôn 68, xã Yên Lâm đã gắn bó với nghề trồng cam hàng chục năm. Với 9 ha cam, mỗi năm vào vụ thu hoạch, ông Trung thu cả trăm triệu đồng. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước, còn hiện tại gia đình ông đã không còn một gốc cam nào. Theo ông Trung 3 năm trở lại đây, cây cam xuất hiện tình trạng vàng lá, quả cam teo tóp sau đó lụi và chết dần. Những gốc cam chết ông Trung đã xử lý đất, rắc vôi bột, sử dụng phân chuồng hoai mục và trồng lại. Ở chu kỳ thứ 2, dù bỏ không ít tiền của mua phân bón tốt cùng bao mồ hôi công sức chăm sóc nhưng những cây cam mới cũng chỉ phát triển được 2 - 3 năm rồi lại cùng một triệu chứng vàng lá, khô rễ chết dần. Để đảm bảo thu nhập ông Trung đành phải đưa cây chanh tứ thì vào trồng thay thế.
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ người dân Yên Lâm (Hàm Yên) trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Theo kết quả rà soát của UBND xã Yên Lâm, chỉ trong 3 năm trở lại đây đã có 75 ha cam bị chết. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm chia sẻ, cây cam là cây trồng truyền thống và cũng là cây có giá trị kinh tế nhất nhưng hiện nay diện tích giảm dần theo từng năm khiến nhiều người trồng cam lo lắng. Trước tình trạng nhiều vườn cam bị chết, xã đã báo cáo với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Cây ăn quả huyện kiểm tra và tìm ra nguyên nhân cây cam nhiễm bệnh, hỗ trợ người dân cách phòng, trừ dịch hại, bảo vệ vườn cam.
Tại xã Phù Lưu, diện tích cam cũng liên tục sụt giảm. Theo báo cáo của UBND xã Phù Lưu năm 2015, toàn xã có khoảng 2.000 ha cam nhưng hiện tại còn chưa đầy 900 ha. Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: sâu, bệnh, thời tiết bất lợi và giá bán thất thường là những nguyên nhân chính khiến cho diện tích cây trồng này trên địa bàn xã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Thêm vào đó, cây cam ở Phù Lưu chủ yếu được trồng từ cách đây 20, 25 năm, già cỗi và đã đến chu kỳ thay thế cũng là lý do khiến diện tích cam ở địa phương này không còn giữ được thời hoàng kim như những năm trước đây.
Trong báo cáo của UBND huyện Hàm Yên ngày 24-7, toàn huyện chỉ còn 4.000 ha cam, đạt 80% kế hoạch, trong đó 3.700 ha đang cho thu hoạch. Theo lãnh đạo Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên, qua kiểm tra nhiều vườn cam có dấu hiệu kém phát triển, héo, chết dần nguy cơ tiếp tục suy giảm.
Nỗ lực giữ thương hiệu cam sành
Trong Quyết định số 358 năm 2021 của UBND tỉnh Tuyên Quang về phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030 thì cây cam sành vẫn là một trong những cây trồng chủ lực. Diện tích cây cam sẽ duy trì ổn định trên 8.300 ha với sản lượng trên 102 nghìn tấn quả/năm. Tuy nhiên thực tế hiện nay diện tích cam sành chỉ còn 4.000 ha.
Theo Trung tâm Cây ăn quả huyện, từ năm 2021 đến nay, khi diện tích cam trên địa bàn huyện bắt đầu chết và giảm dần, đơn vị đã làm việc với nhiều cơ quan chuyên môn như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, trường Đại học Tân Trào, Viện Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT)... khảo sát, đánh giá mức độ nhiễm bệnh của cây cam. Đồng thời, phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án như trồng cỏ Vetiver khử độc trong đất, quy trình chăm sóc trồng cam hữu cơ, quy trình chăm sóc sản xuất cam chất lượng...
Trong cuộc kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Yên hồi giữa tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đều khẳng định sẽ tiếp tục kết nối, mời gọi các chuyên gia đầu ngành kiểm tra thực địa, lấy mẫu phân tích, nghiên cứu tìm ra giải pháp tối ưu nhất bảo vệ hiệu quả diện tích cam hiện có. Trên cơ sở đó, hỗ trợ sản xuất cây giống sạch bệnh, chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân. Trước mắt, để kiểm soát, khoanh vùng hạn chế lây lan bệnh trên cam các chuyên gia khuyến cáo: Với những diện tích cam đã già cỗi, nhiễm sâu, bệnh người trồng cam cần chặt bỏ, trồng thay thế bằng một số loại cây khác để cải tạo đất, hạn chế trồng lại cam chu kỳ 2, hoặc cây cùng loài. Bởi trên thực tế hầu hết những diện tích cam chết khi trồng lại chu kỳ 2 nhưng cũng chỉ phát triển được thời gian rất ngắn rồi lại rơi vào tình trạng cây kém phát triển, chết dần, thiệt hại lớn về kinh tế. Người trồng cam cũng cần chủ động chuyển đổi biện pháp canh tác, mở rộng diện tích cam theo tiêu chuẩn hữu cơ vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa cải tạo đất, nâng tuổi thọ của cây trồng.
Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên khẳng định: Bên cạnh nỗ lực bảo vệ diện tích cam sành, huyện cũng khuyến khích các địa phương, chủ trang trại, nhà vườn tùy vào thổ nhưỡng của từng vùng lựa chọn cây trồng phù hợp và có giá trị kinh tế cao để phát triển như: táo, thanh long để đa dạng về sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo yếu tố luân phiên mùa vụ, gia tăng giá trị kinh tế. Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Đỗ Văn Hòa tin với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp và sự nhạy bén của người dân, Hàm Yên sẽ giữ vững thương hiệu cam sành và trở thành vựa cây ăn quả có giá trị.
Theo TQĐT.