Theo Sở Công thương, ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) năm nay có chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” với mục tiêu “kép”. Đó là bảo vệ người tiêu dùng trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và phòng chống gian lận từ những trang thương mại điện tử giả mạo, làm ăn bất chính.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc đẩy mạnh giao dịch điện tử có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm hạn chế lây lan dịch bệnh. Sở phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường tuyên truyền đến người dân thực hiện giao dịch điện tử, lựa chọn các trang bán hàng uy tín để vừa hạn chế tiếp xúc nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ công trong lĩnh vực điện, nước, viện phí, học phí. Các ngân hàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng tín dụng tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM qua POS được lắp đặt tại siêu thị Gold Mart, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương).
Chị Hoàng Thị Ngân, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện nay, các giao dịch như thanh toán tiền điện, nước và các giao dịch bán hàng đều được chị thanh toán qua điện thoại với các dịch vụ tiện ích từ ngân hàng, không mất thời gian, lại giảm được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do chủng vi rút corona gây ra do tiếp xúc với nhiều người.
Thương mại điện tử hiện nay phát triển khá mạnh nhưng việc quản lý của các cơ quan chức năng vẫn chỉ là “chạy theo”, do đó người tiêu dùng phải có kiến thức và nắm vững nền tảng công nghệ 4.0 để không gặp phải những rủi ro và bị lừa đảo. Không ít trang thương mại điện tử, các nhóm bán hàng được lập ra nhưng chưa được kiểm soát, khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là bán các loại thuốc tăng cường sức khỏe, làm đẹp, chữa các bệnh rụng tóc, nội tạng… khiến nhiều người tiền mất, tật mang. Tuy nhiên, người tiêu dùng hoàn toàn lựa chọn được những trang thương mại điện tử uy tín.
Theo ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, trước khi thực hiện giao dịch điện tử, người tiêu dùng cần kiểm chứng thông tin cẩn thận, lựa chọn những trang mạng đã được Bộ Công thương cấp phép. Nếu giao dịch trên Facebook, Zalo phải lựa chọn người thân quen trước khi mua hàng. Mua hàng từ các trang mạng điện tử cũng góp phần hạn chế tiếp xúc nhiều người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Người tiêu dùng hiện nay đã tham gia các giao dịch điện tử nhiều hơn và họ luôn lựa chọn địa chỉ tin cậy để mua hàng. Anh Hoàng Đình Trọng ở thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho rằng, hiện có rất nhiều người bán hàng trên Facebook, Zalo và anh cũng thường mua quần áo, giày dép từ các trang bán hàng điện tử. Khi chấp nhận mua hàng, người bán hàng cử nhân viên ship đến tận nơi, rất thuận lợi, giá cả không tăng so với việc phải trực tiếp đến các cơ sở kinh doanh để mua. Anh lựa chọn các trang bán hàng điện tử uy tín theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng và tư vấn từ bạn bè nên việc giao dịch rất hiệu quả và thuận lợi.
Thực hiện các giao dịch điện tử hướng tới những lợi ích “kép”, góp phần thực hiện mục tiêu minh bạch tài chính, kiểm soát nguồn tiền phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: Báo Tuyên Quang