Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP tại Tuyên Quang

Thứ 6, ngày 28 tháng 6 năm 2024 - 14:35

Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang tập trung triển khai nhiều giải pháp đưa chương trình đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, đồng thời trở thành chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang cùng đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Thời gian qua, để hỗ trợ và tạo động lực thực hiện chương trình OCOP, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 với 21 chính sách. Trong đó có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể tham gia OCOP về chi phí tư vấn cho chủ thể sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm OCOP (đạt sao); hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; hỗ trợ về xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp mã số, mã vạch (bao bì sản phẩm, tem truy xuất); đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn (ISO, VietGAP...)...

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Tuyên Quang có 240 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, con số này đã giúp đạt 104,3% mục tiêu đề ra, trong đó: 201 sản phẩm hạng 3 sao, có 38 sản phẩm hạng 4 sao; 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, của 179 chủ thể, trong đó: 133 hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, 6 tổ hợp tác và 28 hộ kinh doanh trên địa bàn 121/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87% kế hoạch. 

Sản phẩm OCOP được giới thiệu, bày bán tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Hải Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang: Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên hăng hái tham gia. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP có chiều hướng tăng lên. Các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP từng bước được củng cố, phát triển, nhiều chủ doanh nghiệp, hợp tác xã có độ tuổi còn trẻ, có trình độ, hoạt động nhanh nhạy với cơ chế thị trường.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn và thị trường ngày càng mở rộng như: Chè Shan Tuyết Hồng Thái, rượu ngô (Na Hang); chè Khau Mút, cá Lăng, thịt Dê (Lâm Bình); bánh gai, thịt trâu Hùng Mỹ, trà túi lọc đậu đen xanh lòng (Chiêm Hóa); cam sành, chè xanh Làng Bát (Hàm Yên); chè xanh Ngọc Thúy, bưởi đường Xuân Vân, thịt trâu khô Tiến Thành (Yên Sơn); dầu lạc Trường Thịnh, trà cà gai leo Hợp Hòa (Sơn Dương); mật ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang)…

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. 

Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thường xuyên tổ chức các chương trình hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Tuyên Quang, tích cực tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 (tổ chức tháng 12/2023), đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ký hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ðây là cơ hội mới và triển vọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của Tuyên Quang.

Du khách thưởng thức và tìm hiểu về chè Shan tuyết Na Hang.

Việc hỗ trợ kết nối các Hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP với Bưu điện tỉnh; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh và phát hành ấn phẩm sản phẩm OCOP Tuyên Quang... được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Ðây là điểm mới trong phát triển thị trường, góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cho biết: Giai đoạn 2024-2025, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đưa sản phẩm OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn. 

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 duy trì số sản phẩm đã công nhận phân hạng sản phẩm OCOP; 138/138 xã, phường, thị trấn đều có sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên; tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp sản phẩm, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất một sản phẩm OCOP hạng 5 sao...

Theo Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang