Hương chè Liên Phương

Thứ 6, ngày 1 tháng 11 năm 2019 - 14:15

Người Liên Phương, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) một thời thâu đêm suốt sáng gắn bó với bếp củi sao chè. Hương của chè quyện lòng người. Bởi thế, dù có đi đâu xa, hồn nghề vẫn lưu luyến bước chân người dân nơi đây, để rồi hình hài làng nghề chè truyền thống dần hiện hữu. Người Liên Phương vẫn lưu truyền nhau những vần thơ ngợi ca hương vị chè quê nhà: “Uống chén trà xong cất tiếng khà/Ngày mùa đỏ lửa, lò rực sáng/Nhớ người ban sớm gói hương xuân”…


Nét duyên xứ chè

Qua những nương chè mướt xanh, thấp thoáng dáng hình các chị, những cô đôi tay thoăn thoắt cẩn thận hái từng búp chè non xanh. Ở Liên Phương vẫn giữ nếp hái chè thủ công quen thuộc, chỉ bởi họ muốn nâng niu từng nhánh chè như chính máu thịt, đưa máy cắt vào họ lo cây bị “đau” mà ra lứa sau không xanh non nữa. Búp chè được hái thủ công nên khi sao búp nào ra búp đó, nguyên vẹn từ hương thơm, mực thước về hình thức.

Người dân thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) thu hái chè.

Bà Vũ Thị Út, tuổi đã ngoài chín mươi, da mồi, tóc bạc nhưng phong thái còn ung dung, tinh tường lắm. Bà kể về những năm tháng tuổi trẻ khi từ Ninh Bình lên Tuyên Quang khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1962, cả khu làng Liên Phương cây cối um tùm, lối đi còn chưa có, người dân gieo những giống cây mới từ xuôi nhân trên đất này đều không thành, duy chỉ có giống chè hạt là ưa đất, ưa khí hậu mà xanh tốt bời bời. Chè giống được tuyển từ cây mẹ, tháng 10, 11 hái quả và bóc vỏ để nhân giống. Hạt ngâm vào nước, loại bỏ hạt nổi, chỉ lấy hạt chìm, sau đó ủ cho hạt nảy mầm. Hạt được gieo vào túi ni lông đã được làm sẵn thành bầu đất tơi xốp, trộn 2 phần đất với 1 phần phân chuồng hoai mục. Từng đó nguyên liệu được đóng chặt trong túi ni lông, xếp thành luống rộng chừng 1 - 1,2m, chiều dài luống 15 - 20m. Những năm đó, hầu hết những bầu chè ươm được xếp dưới bóng cây râm mát mà nhờ sức vươn xanh, đủ độ là nhân ra khắp đồi, khắp nương. “Cả làng có vài ba ha chè của 13 hộ mà cánh buôn khắp xã, cả huyện tìm về mua làm quà, nhộn nhịp lắm”, bà Út kể. Cứ đến cuối vụ, bà Út lại huy động các con chọn hạt lưu lại cho vụ mới, nên chất lượng chè chẳng đổi khác.

Qua nương chè, người ta vẫn thấy những cây chè “tổ” của làng, gốc to tới cả bắp chân người như minh chứng cho sự thủy chung, gắn bó với nghề của người dân. Chị Nguyễn Thị Minh, giờ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Ứng nhắc nhớ lại thời chị cùng bà, cùng mẹ hôm sớm sao chè bên bếp củi than hồng rực. Chị bảo, hái chè vất vậy nhưng cực nhất là khâu sao chè.

Thời đó, dụng cụ chính để sao là chảo nhôm Liên Xô đúc, mỗi lần sao chỉ được nhúm chè, tính ra so với máy sao bây giờ chỉ bằng 1 phần 4. Mỗi dịp sao chè, chiếc chảo cũng chở nên đắt giá. Nhà nhà tập trung lại, cứ một tốp hái chè về, tốp khác sao. Mắt cay xè vì khói bếp, nhưng hương chè thơm thì không ai quên được. Chị khúc khích cười kể, dạo đó, con gái làng Liên Phương nổi tiếng với móng tay nhuộm đen, cũng bởi ông bà, bố mẹ nghiêm khắc trong khâu vò chè. Bọn trẻ đứa nào đứa nấy vò chè, lòng bàn tay chai sạn, sau này phương trưởng mới hiểu được cái cầu kỳ trong từng khâu chế biến để thành sản phẩm lưu truyền. Nhựa chè gắn bó với các chị cũng từ đó mà nuôi lớn tâm hồn mỗi khi xa xứ.

Chè xanh Liên Phương khác biệt so với những vùng khác bởi lá chè dày, xanh, nước chè thơm và đưa vào lưỡi càng lâu càng thấm vị ngọt đậm tạo nên hương vị đặc biệt. Cây chè thích hợp với đất đồi Liên Phương, ít sâu bệnh và cho thu hoạch nhiều lứa trong năm. Chè cho thu được khoảng 10 tháng bắt đầu từ tháng 1 dương lịch, bình quân 2 tháng thu 3 lứa…

Trứ danh làng nghề

Lớp lớp thế hệ người con Liên Phương vẫn luôn tự hào về một thời hoàng kim của cha ông để lại. Những búp chè xanh nhân trên đồi được trải dài cả thôn với gần 13 ha chè, doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, cây chè từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực giúp người dân ở đây đổi thay đời sống.

Hợp tác xã Liên Phú Trà được thành lập. Tháng 1-2018, Liên Phương được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề thì thương hiệu chè Liên Phương càng được khẳng định. Ông Nguyễn Văn Liệu, Bí thư Chi bộ cũng là Giám đốc Hợp tác xã Liên Phú Trà phấn khởi khẳng định, để phát triển bền vững nghề chè, những năm qua, người trồng chè trong thôn đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn. Quy trình chăm sóc, bón phân phải đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách; không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; phòng trừ sâu bệnh hại bằng các chế phẩm sinh học và đảm bảo đủ thời gian cách ly; việc thu hái, chế biến chè đều đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật… Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng cao.

Làng nghề chè với 37 hộ tham gia, sản lượng chè búp tươi đạt 72 tấn. Khi xây dựng được thương hiệu nên giá thành sản phẩm được nâng cao, từ mức 90 nghìn đồng/kg lên 200 nghìn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tuyền, trước là hộ nghèo của thôn, nhưng từ phương thức canh tác mới, giống chè mới cho năng suất cao, thu nhập tăng lên. Năm 2018 gia đình ông đã thoát nghèo từ chính cây chè. Trên 0,5 ha chè, ông mạnh dạn trồng thêm giống chè lai mới thay thế dần giống chè bản địa cũ. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc cũng sống bằng nghề chè. Thời gian vợ chồng ông gắn bó với nương chè nhiều hơn ở nhà. Ông bảo, những lúc rảnh nếu không ở đồng, ở nương thì lại lục sách để học kỹ thuật mới áp dụng cho cây chè, năng suất cao hơn hẳn. Hàng năm từ chè, gia đình ông cũng để ra được cả trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Cảnh, Trưởng thôn Liên Phương chia sẻ, năm nay thôn giảm được 2 hộ nghèo, hiện chỉ còn 7 hộ nghèo thôi, số hộ khá giàu khoảng 40%. Cây chè thực sự là cây thoát nghèo bền vững của thôn trong những năm qua.

Ông Nguyễn Văn Liệu, Giám đốc Hợp tác xã Liên Phú Trà giới thiệu sản phẩm chè.

Giám đốc Hợp tác xã Liên Phú Trà Nguyễn Văn Liệu nhẩn nha câu chuyện chia sẻ về hướng duy trì và phát triển sản phẩm chè của thôn. Thôn đang tích cực đưa các sản phẩm chè quê mình đi tham gia các hội chợ thương mại, quảng bá sản phẩm để ngày càng nhiều người biết đến thương hiệu chè Liên Phương. Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao thương hiệu chè, thôn tiếp tục vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái chè; đặc biệt chú trọng vệ sinh môi trường, đảm bảo sản xuất chè theo hướng an toàn. Vừa qua, thôn cũng đã mở rộng diện tích hơn 3 ha chè lai giâm hom L1, L2 với việc chuyển đổi khoảng 7 vạn bầu giống chè lai thay thế những gốc chè hạt đã cỗi từ trước để tăng năng suất, sản lượng. Ngoài diện tích chè cũ, thôn mở rộng diện tích lên trên 10 ha giống chè mới để nâng cao chất lượng chè, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Ông Dương Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng cho biết, chè là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã với tổng diện tích trên 90 ha, năng suất đạt 95 tạ/ha, sản lượng đạt 750 tấn/năm. Thôn Liên Phương được công nhận là làng nghề chè đã tạo ra bước ngoặt lớn cho người trồng chè. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chè theo hướng an toàn mang lại giá trị kinh tế cao ở Liên Phương đã giúp nhiều hộ trồng chè khác trên địa bàn xã thay đổi tư duy sản xuất, từ bỏ lối canh tác lạc hậu, biết áp dụng tiến bộ trong sản xuất để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Nhờ cây chè, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Giờ ở làng nghề chè Liên Phương, máy sao chè được người dân đầu tư thay thế phương pháp thủ công, chè được chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ trước sâu bệnh. Người dân còn tỉ mỉ sử dụng ni lông phủ lên phần đất trống giữa các luống để tránh cỏ và xói mòn phân, đất mỗi khi mưa lớn. Điều ấy càng minh chứng cho việc đầu tư bài bản cho cây chè, gắn bó với nghề để làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nguồn: Báo Tuyên Quang