Na Hang phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thứ 6, ngày 17 tháng 5 năm 2019 - 08:43

Huyện Na Hang đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh như: vùng sản xuất chè Shan tuyết với 1.308 ha tại các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; vùng sản xuất rau an toàn 25 ha và 30 ha lê tại xã Hồng Thái; vùng nuôi trồng thủy sản ở hồ sinh thái Na Hang có 104 hộ và 2 doanh nghiệp tham gia với 809 lồng cá các loại. Việc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.


Khu vực nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang của Công ty TNHH Thường Mai, thị trấn Na Hang

Xã Hồng Thái là một trong những địa phương của huyện Na Hang đi đầu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, xã đã quy hoạch phát triển 37 ha cây ăn quả; hơn 25 ha rau đậu, (bắp cải, súp lơ, cà chua, su su...). Xã duy trì và phát triển 61,6 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… Thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết giữa người nông dân với nhà khoa học, các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị.

Anh Đặng Văn Sam, thôn Khau Tràng đưa toàn bộ hơn 300 m2 ruộng bỏ hoang vào trồng rau bắp cải, su hào, súp lơ trái vụ. Nhờ được hỗ trợ về giống, vật tư và kỹ thuật trồng, chăm sóc nên chỉ sau hơn hai tháng, các loại rau của gia đình anh phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Sam cho rằng, đây là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bởi, từ trước đến nay, anh chỉ trồng rau theo mùa vụ phục vụ gia đình, nay cách làm mới, trồng rau trái vụ để cung ứng cho thị trường mang lại hiệu quả kinh tế hơn cho người nông dân.

Chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực của xã Sinh Long với 1.100 ha. Hiện nay, sản phẩm chè Shan tuyết Sinh Long đã có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài tỉnh chấp nhận. Nhiều hộ dân ở xã Sinh Long có thu nhập cao từ trồng chè, điển hình như gia đình ông Nông Quý Sài, thôn Phiêng Thốc; Hoàng Văn Sai, thôn Phiêng Ngàm trung bình mỗi ngày bán được 400 nghìn đồng tiền chè… Hiện trên địa bàn xã có 2 cơ sở chế biến chè gồm: Công ty TNHH Việt Dũng, công suất chế biến 3 tấn chè búp tươi/ngày; cơ sở chế biến chè của hộ gia đình ông Lương Văn Chúc, thôn Phiêng Thốc với công suất chế biến 1 tấn chè búp tươi/ngày, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Huyện Na Hang đã triển khai nghiêm túc cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh trên địa bàn. Huyện đã phân bổ trên 35 tỷ đồng cho 597 hộ vay vốn để xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp. Đến nay, huyện đã hình thành một số sản phẩm có thương hiệu như cá sạch Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Chè Shan tuyết Na Hang, chè Kia Tăng…

Ông Chẩu Văn Bích, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới phòng phối hợp với các cơ quan chuyên môn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia đình đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, bảo đảm không ngừng tăng thu nhập cho người nông dân.

Nguồn: Báo Tuyên Quang