Phát triển và giữ vững thương hiệu gà Tân Tạo

Thứ 4, ngày 13 tháng 1 năm 2021 - 14:23

Gà Tân Tạo vừa được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là đặc sản của phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang). Để phát triển và giữ vững thương hiệu, UBND phường Đội Cấn khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng bán hữu cơ để chất lượng gà ngày càng được khẳng định, giữ vững.


Gà Tân Tạo là giống gà địa phương của thôn Tân Tạo (nay là tổ 1), phường Đội Cấn, được nuôi thả vườn, theo hình thức bán hữu cơ, sử dụng ngô hạt hoặc thóc, cho ăn thêm giun quế, không sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Do vậy chất lượng gà thịt ở Tân Tạo rất cao, khi ăn có vị thơm, ngọt thịt, đậm đà, dai ngon. Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 1 Lê Văn Vinh cho biết, trước kia người dân nuôi gà mang tính chất tự cung tự cấp, nhằm cải thiện bữa ăn gia đình là chủ yếu. Nhờ chất lượng thịt gà thơm ngon nên khách tìm về thôn đặt mua. Dần dần người dân trong thôn phát triển chăn nuôi nhiều thêm để đáp ứng nhu cầu khách hàng và phát triển thành vùng chăn nuôi gà hàng hóa như ngày nay.

Người dân tổ 1, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi gà Tân Tạo.

Ông Phạm Văn Lộc, tổ 1, phường Đội Cấn có 15 năm kinh nghiệm chăn nuôi gà chất lượng cao Tân Tạo. Ông cho biết, năm 2012, xã Đội Cấn thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà Tân Tạo, gia đình ông nuôi nhiều hơn trước, với 400 con và nuôi tăng dần qua các năm. Nay gà Tân Tạo được công nhận thương hiệu mở ra cơ hội phát triển, nâng sức cạnh trạnh của sản phẩm so với các loại gà thương phẩm khác trên thị trường. Dịp này tổng đàn gà của gia đình ông có 700 con vẫn không đủ phục vụ khách hàng. Mỗi năm, từ nuôi gà gia đình ông thu được hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Thời gian tới ông dự kiến mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.000 con. Để duy trì và giữ vững thương hiệu gà Tân Tạo, dù mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng ông Lộc quyết không cho ăn cám tổng hợp. Nhờ chất lượng thơm ngon, gà Tân Tạo có giá bán cao hơn so với các loại gà cùng loại trên thị trường từ 20 - 50 nghìn đồng/kg.

Đặc điểm của gà Tân Tạo là có chân vàng óng, da vàng, được chăn thả tự nhiên ở vườn đồi. Theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi gà Tân Tạo lâu năm, để có đàn gà ngon cần phải có con giống tốt, chọn lựa cẩn thận cả gà trống và gà mái của địa phương để làm giống chứ không mua gà ở nơi khác mang về. Khi gà còn nhỏ người dân cho ăn tấm gạo chứ không cho ăn cám công nghiệp, lớn hơn thì chủ yếu là gà tự kiếm ăn trong vườn kết hợp với việc cho ăn thêm ngô, thóc.

Lợi thế của người dân trong tổ là có diện tích soi bãi trồng ngô khá lớn với 20 ha, sản lượng trung bình đạt 110 tấn/năm. Đây là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gà. Vì vậy, UBND phường Đội Cấn đã khuyến khích người dân tổ 1 tập trung chăn nuôi gà chất lượng cao để duy trì và giữ vững thương hiệu. Đồng thời, thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà chất lượng cao Tân Tạo với 70 thành viên để phát triển đàn gà đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Chi hội nghề nghiệp ra đời đã liên kết các hộ nuôi gà riêng lẻ thành một nhóm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập cách thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc gà. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, của nhà nào nhà nấy chăm thì nay việc nuôi gà đã hoàn toàn khác. 7 thành viên trong Tổ hợp tác chăn nuôi gà Tân Tạo được thành lập từ năm 2012 thường xuyên giúp đỡ các thành viên trong Chi hội nghề nghiệp cách chăn nuôi, đánh giá, rút kinh nghiệm, thống nhất đưa ra cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo phương pháp chung.

Ông Dương Văn Tiếp, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp Chăn nuôi gà chất lượng cao Tân Tạo khẳng định, chăn nuôi theo phương pháp truyền thống là yếu tố cốt lõi để nâng cao giá trị gà Tân Tạo. Dẫu có phát triển quy mô đến đâu thì người dân vẫn không sử dụng cám công nghiệp, thực hiện nuôi gà thả vườn, ăn ngô, thóc, gà ngon, giá cũng “ngon”, cơ hội làm giàu từ đó.

Nguồn: Báo Tuyên Quang