Ưu tiên tiêu thụ cam sành Hàm Yên

Thứ 2, ngày 23 tháng 11 năm 2020 - 09:30

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai liên tiếp xảy ra ở một số thị trường truyền thống, do đó cam sành Hàm Yên đang có nguy cơ khó tiêu thụ. Bảo đảm tiêu thụ cam sành Hàm Yên, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ, giúp người trồng cam yên tâm sản xuất.


Ở thời điểm này những năm trước, chợ đầu mối cam Hàm Yên tại xã Tân Thành đã rất sôi động. Các xe công-ten-nơ nối nhau ngày đêm nhập cam tỏa đi khắp khu vực trong Nam ngoài Bắc. Nhưng năm nay trái ngược hẳn. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, dịch bệnh Covid-19, thiệt hại do thiên tai tại các tỉnh miền Trung đã tác động xấu đến thị trường tiêu thụ cam của huyện. Từ đầu tháng 11 đến nay, ngày cao nhất người trồng cam của huyện mới chỉ cắt bán được vài chục tấn. Sức tiêu thụ chậm nên giá cam bị hạ thấp. Hiện tại, 1 kg cam sành cắt và vận chuyển xuống điểm tập kết có giá từ 2.000 - 4.000 đồng tùy loại, so với năm 2019, thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Cam Vinh, cam V2 vẫn được coi là giữ giá nhất luôn ở mức từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, thì thời điểm này cũng bị rớt xuống 4.000 - 6.000 đồng/kg tại vườn.  


Cam Hàm Yên được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP tại Hà Nội.

Ở 2 xã có diện tích cam lớn nhất huyện Hàm Yên là Tân Thành và Phù Lưu, người trồng cam đang tìm mọi cách để liên hệ, kết nối với các thương lái trong và ngoài tỉnh để xúc tiến tiêu thụ cam. Ông Hoàng Văn Mạnh, thôn Táu, xã Phù Lưu cho biết, gia đình ông có 6,5 ha cam, ước tính sản lượng khoảng 160 tấn. Nếu như mọi năm, thời điểm này ông đã tiêu thụ được 1/3 diện tích thì năm nay ông mới thu hoạch được khoảng 10 tấn. Ông Mạnh cho biết, năm nay khó khăn chung nên ngoài cắt xô cho thương lái đưa vào Nam, ông còn cắt tuyển bán tại các chợ trong huyện. 

Báo cáo của UBND huyện Hàm Yên, toàn huyện có 7.270 ha cam, trong đó diện tích cho thu hoạch là 4.986 ha, sản lượng quả vụ cam năm nay ước đạt trên 84.000 tấn. Nhận định thị trường tiêu thụ cam nhiều khả năng gặp khó, ngay từ tháng 9, UBND huyện Hàm Yên đã tổ chức Hội nghị phát triển cây cam sành bền vững nhằm đánh giá thực trạng tiêu thụ, trước mắt là triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để bán hết sản lượng cam.

Đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, trong tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương đưa sản phẩm cam Hàm Yên tham gia trưng bày, giới thiệu ở 4 hội chợ thương mại, hàng nông nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.


Gia đình ông Hoàng Văn Mạnh, thôn Táu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) thu hoạch cam.

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, ngày 6-11, Trung tâm đã giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên tại Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại được tổ chức ở Hà Nội. Với chất lượng đã được khẳng định, cam Hàm Yên đã thu hút sự quan tâm lớn của nhiều đại biểu và các doanh nghiệp tham gia chương trình. Theo ông Hưng, một số doanh nghiệp đã kết nối qua trung tâm để ký kết tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên trong thời gian tới.

Trước đó, tại Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa sản phẩm cam Hàm Yên để quảng bá và giới thiệu. Qua đó, đại diện một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã tìm kiếm thông tin và đặt vấn đề kết nối bao tiêu sản phẩm.

Theo bà Bùi Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, thị trường vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ tác động xấu đến nhiều mặt hàng, trong đó có sản phẩm cam sành Hàm Yên. Đồng hành, chia sẻ khó khăn, giảm thiểu tổn thất cho người trồng cam rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Thông qua các hoạt động, các tổ chức, cá nhân giới thiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Các thương lái, người tiêu dùng thay vì kinh doanh, sử dụng sản phẩm hoa quả nhập khẩu, ưu tiên lựa chọn sản phẩm địa phương, đặc biệt là sản phẩm cam Hàm Yên. Bà Thúy cũng mong muốn, sản phẩm cam Hàm Yên với chất lượng hàng đầu trong các loại quả không những của tỉnh mà cả trên  toàn quốc sẽ xuất hiện thường xuyên trên cả bàn ăn của mỗi hộ gia đình. Mới đây, công ty đã gửi thư kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người dân Tuyên Quang ủng hộ, ưu tiên sử dụng cam Hàm Yên, góp phần chung tay cùng người nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, đầu ra của cam sành sẽ thuận lợi, mang lại giá trị cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, để ổn định thị trường, giữ vững giá trị, hơn ai hết người trồng cam Hàm Yên phải chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm; người sản xuất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động kết nối đảm bảo sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Nguồn: Báo Tuyên Quang