Là tỉnh miền núi phía bắc, có thế mạnh về du lịch và sản phẩm nông nghiệp giá trị. Do đó, khi bước vào thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Tuyên Quang đã vận dụng được những lợi thế của mình, tạo ra nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn
Hợp tác xã nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận huyện Yên Sơn được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2022. Hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện Hợp tác xã này đang cung cấp cho các siêu thị trong tỉnh và các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, thành phố Hà Nội 14 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho gần 10 lao động trực tiếp và hàng chục lao động thời vụ.
Bởi chú trọng tới chất lượng sản phẩm mà năm 2024, HTX nông sản hữu cơ Bình Minh có 2 sản phẩm gồm trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong được lựa chọn để xuất khẩu.
Xác định tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP là con đường bền vững cho sản phẩm nông sản địa phương. Các huyện, thành phố đã khuyến khích và có nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng sản phẩm chủ lực để tham gia chương trình ocop.
Việc tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của các huyện, thành phố được duy trì tổ chức hàng năm, bảo đảm khách quan, chặt chẽ, đúng quy định.
Là một trong số ít chủ thể có sản phẩm của tỉnh đạt 4 sao OCOP, HTX chè Sử Anh không ngừng tìm kiếm thị trường và coi đây là cơ hội để bứt phá. Có vùng nguyên liệu sạch, quy trình chế biến nghiêm ngặt, tuận thủ quy định về an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm của HTX đã đủ tiêu chuẩn để đưa vào hệ thống siêu thị với đầy đủ tem điện tử mã cốt QR để truy xuất nguồn gốc. HTX chè Sử Anh là điểm sáng trong chương trình OCOP của tỉnh Tuyên Quang.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 248 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop từ 3 sao trở lên. Để tạo sức bật cho các sản phẩm ocop, tỉnh đã thực hiện hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Khuyến khích các địa phương, chủ thể, xây dựng, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, hình thành nên thương hiệu riêng và trên cơ sở đó hình thành nên các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu.
Việc phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành động lực quan trọng để các địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng các sản phẩm Ocop không chỉ tạo dựng thương hiệu cho nông sản địa phương mà còn nâng cao thu nhập cho gia đình và cộng đồng. Đây cũng là hướng đi để đưa nông nghiệp phát triển bền vững.Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, chủ thể tham gia chương trình, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi để có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop. Qua đó, phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của các địa phương để nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Nguyễn Hải