Chiêm Hóa phát triển các sản phẩm OCOP

Thứ 6, ngày 14 tháng 8 năm 2020 - 08:25

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được huyện Chiêm Hóa tích cực triển khai. Mỗi xã có ít nhất một sản phẩm chủ lực tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.


Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, huyện hiện có 11/26 sản phẩm có lợi thế, đây là các sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị thương mại cao và được định hướng phát triển thành các sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2019 - 2020. Trong đó, các sản phẩm này chia thành 2 nhóm. Nhóm thực phẩm có 8 sản phẩm: Lạc Chiêm Hóa, bánh gai Chiêm Hóa, cá kho Mạnh Mẽ (xã Hòa Phú), cam sành xã Trung Hà, cam sành xã Hà Lang, thịt trâu xã Hùng Mỹ, cá đặc sản xã Yên Nguyên, cá đặc sản xã Yên Lập. Nhóm đồ uống có 3 sản phẩm là rượu 2 lần nếp Ông Chấp thị trấn Vĩnh Lộc, rượu chuối xã Kim Bình, chè Pà Thẻn xã Linh Phú. Trong đó, có 3 sản phẩm được cấp thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm Chương trình OCOP có hướng phát triển tốt là lạc Chiêm Hóa, bánh gai Chiêm Hóa, rượu chuối Kinh Bình. Vừa qua, huyện tổ chức đánh giá phân hạng 3 sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ, chè Pà Thẻn của xã Linh Phú, rượu nếp 2 lần ông Chấp đạt 3 sao.


Thành viên HTX Chè Pà Thẻn, xã Linh Phú thu hái chè.

Thị trấn Vĩnh Lộc có 2 sản phẩm được đưa vào Chương trình OCOP của huyện đó là bánh gai Chiêm Hóa và rượu 2 lần nếp Ông Chấp. Theo ông Nguyễn Ngọc Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Vĩnh Lộc, đối với sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa, thị trấn xác định đây là sản phẩm chủ lực có hướng phát triển tốt, có nhiều chương trình, dự án duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm bánh gai được triển khai. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có hơn 100 hộ làm bánh gai, trong đó có gần 30 hộ chuyên làm bánh để bán hàng ngày phục vụ nhu cầu du khách. Sản lượng sản xuất bánh mỗi ngày của thị trấn ước đạt 2.400 cặp; mỗi hộ sản xuất bánh gai có thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, thị trấn còn chú trọng đến quy trình sản xuất, thực hiện cho các hộ sản xuất ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở Linh Phú rất kỳ công trong trồng, chăm sóc và chế biến sản phẩm chè khô. Cây chè ở đây được người dân trồng và chăm sóc thủ công, không phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay bón phân hóa học. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Khuổi Hóp, Pác Hóp, Nà Luông, với gần 30 ha, năng suất chè tươi bình quân đạt 6,79 tấn/ha/năm, sản lượng 135 tấn. Với tiềm năng phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, năm 2017, xã Linh Phú đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo đó, xã thành lập HTX Chè Pà Thẻn phối hợp thực hiện tập huấn sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Anh Hà Ngọc Thọ, Giám đốc HTX Chè Pà Thẻn cho biết, HTX đã phát triển lên 16 thành viên, hiện toàn bộ diện tích chè của HTX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, một số diện tích đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, từ đó giá trị sản phẩm chè được nâng lên đáng kể. Hiện sản phẩm chè khô của HTX tùy vào từng loại mà có giá bán từ 200.000 đồng/kg đến 1,5 triệu đồng/kg. Nhờ đó, đời sống người trồng chè được cải thiện, trong HTX không còn hộ thành viên nghèo.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm cá kho Mạnh Mẽ, xã Hòa Phú cho biết, sản phẩm cá kho của gia đình được lưu truyền từ đời ông cha, được thị trường tin dùng, mỗi tháng gia đình xuất ra thị trường từ 20 - 30 kg cá kho. Được xã lựa chọn sản phẩm cá kho của gia đình làm sản phẩm đặc trưng của xã, gia đình rất vui vì qua Chương trình OCOP sản phẩm cá kho của gia đình được nhiều người biết tới. Hiện, gia đình đang được xã, huyện hỗ trợ về đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện trong năm nay.

Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển thời gian tới, huyện Chiêm Hóa tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn đăng ký tham gia chương trình. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện sác sản phẩm OCOP tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất; sản phẩm có chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Nguồn: Báo Tuyên Quang