Phấn đấu xây dựng sản phẩm OCOP na Tân Tiến

Thứ 3, ngày 6 tháng 8 năm 2024 - 08:07

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Tiến đang dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với gần 250 ha cây ăn quả các loại như bưởi, cam, hồng, thanh long, na. Để nâng cao giá trị sản phẩm, xã đang tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng an toàn, sạch, phấn đấu đưa quả na trở thành sản phẩm OCOP.


Gia đình chị Lý Thị Xuân, Thôn 4, xã Tân Tiến thu hoạch na cung cấp cho thương lái.

Thời điểm này, gia đình chị Lý Thị Xuân, Thôn 4, xã Tân Tiến đang tập trung thu hoạch na cung cấp cho các thương lái đến thu mua. Với 400 cây na trên diện tích 0,5 ha, bình quân mỗi ngày chị thu được trên 1 tạ. Chị Xuân chia sẻ đầu vụ, Na bắt đầu cho thu hoạch từ giữa tháng 6 đến khoảng giữa tháng 7 âm lịch, đầu vụ giá na tại vườn lên đến 45.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện tại thì chỉ được 25.000/kg. 

Ông Triệu Văn Xuân, Bí thư chi bộ thôn 4, xã Tân Tiến cho biết: "Cây na mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Đối với chi bộ đã tuyên truyền cho bà con sản xuất cây na tập trung,  theo hướng sạch, an toàn. Chúng tôi mong muốn sản phẩm na thôn 4 được nhiều người biết đến hơn nữa để mang lại thu nhập cho bà con".

Thôn 4 có diện tích na lớn nhất xã Tân Tiến.

Toàn xã Tân Tiến có khoảng 12 ha na tập trung chủ yếu tại thôn 4, thôn Doằng. Diện tích cho thu hoạch 6-7ha. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây na phát triển tốt, cho trái ngọt, mềm, thịt màu trắng kem, hạt đen nhánh và có nhiều lợi ích về dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi. Quả na tại Tân Tiến được các thương lái trong tỉnh đến tận vườn thu mua. Nhận thấy được hiệu quả từ cây na đem lại, trong những năm gần đây nhiều hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, và áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm na đẹp mẫu mã và đảm bảo chất lượng.

Bà Khương Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND Tân Tiến cho biết: Để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp ủy, chính quyền xã Tân Tiến đã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP na Tân Tiến. Đây là điều kiện để quả na tại địa phương được quảng bá, giới thiệu và tăng sức cạnh tranh. Xã tích cực kết nối, phối hợp với các cơ quan chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân sản xuất theo hướng VietGap; phấn đấu thành lập tổ hợp tác để kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. 

Các hộ dân vận chuyển na sau thu hoạch.

Hình thành vùng trồng na tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, xây dựng  sản phẩm OCOP sẽ là điều kiện để cây na có những bước phát triển mới về cả sản lượng, chất lượng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Theo Cổng TTĐT huyện Yên Sơn