Phát triển sản phẩm OCOP huyện Sơn Dương, giai đoạn 2019-2023: Nhiều kết quả tích cực

Thứ 3, ngày 14 tháng 5 năm 2024 - 15:06

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 89% diện tích đất tự nhiên, huyện Sơn Dương có nhiều lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Do đó, những năm qua, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), coi phát triển sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện.


Xác định công tác chỉ đạo là quan trọng hàng đầu để triển khai, tổ chức thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong giai đoạn 2019-2023, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương đã ban hành 06 kế hoạch, 07 quyết định và trên 50 văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn, các chủ thể rà soát, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia chương trình OCOP. 

Các chủ thể trên địa bàn huyện Sơn Dương được trao Chứng nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao năm 2023

Đến hết năm 2023, toàn huyện có 61 sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, trong đó có 49 sản phẩm được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP, gồm: 12 sản phẩm đạt hạng 04 sao và 37 sản phẩn đạt hạng 03 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương có 41 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm (Thực phẩm tươi sống 08 sản phẩm; thực phẩm thô, sơ chế 07 sản phẩm; thực phẩm chế biến 19 sản phẩm và 07 sản phẩm chè); 07 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống (đồ uống có cồn: 04 sản phẩm; đồ uống không cồn: 03 sản phẩm); 01 sản phẩm thuộc nhóm Dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.

Việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, số lượng các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng chương trình OCOP năm sau luôn cao hơn năm trước (năm 2020: 10 sản phẩm; năm 2021: 12 sản phẩm; năm 2022: 11 sản phẩm; năm 2023: 16 sản phẩm). Chương trình OCOP đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, từ sản xuất nông nghiệp thô sơ, nhỏ lẻ dần chuyển sang chế biến sâu, sản xuất có quy mô lớn hơn và có liên kết theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường... Nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận, bước đầu khẳng định được thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương như: Sản phẩm thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung; Chuối sấy giòn của HTX An Quang… đặc biệt là sản phẩm Tinh bột nghệ cao cấp Tiến Phát của hộ kinh doanh Đào Huy Tiến, được tôn vinh là Thương hiệu uy tín, sản phẩm tiêu biểu vì người tiêu dùng, vinh dự đứng top 100 sản phẩm bán chạy của Việt nam do Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam trao tặng. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Dương có ít nhất 01 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, huyện Sơn Dương sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá phân hạng lại 12 sản phẩm OCOP sau 36 tháng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2021. Đồng thời, tiếp tục rà soát các sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm chất lượng cao để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo…/.

Theo: Nguyễn Thị Thu Hường -  Sở NNPTNT