Chè Thái Nguyên và Tuyên Quang - Tiềm năng và thế mạnh

Thứ 4, ngày 29 tháng 11 năm 2023 - 15:50

Thái Nguyên và Tuyên Quang là 2 tỉnh nằm trong vùng Đông Bắc Bộ, có các tuyến giao thông quan trọng và thuận lợi với hệ thống đường bộ, đường sắt theo hướng Bắc Nam và Đông Tây, hành lang Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh là một trong hai hành lang kinh tế trong việc hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc.


Với vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu trong lành, mát mẻ, mưa thuận gió hòa. Hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, thuận lợi, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang mang trong mình những lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được. Một trong những tiềm năng lợi thế đang được tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang khai thác, phát huy có hiệu quả, đó là xây dựng vùng nguyên liệu chè trù phú và phát triển các sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Tuyên Quang và Thái Nguyên những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước dồi dào của Sông Cầu và Sông Lô là một trong những yếu tố tạo nên những hương vị đặc biệt cho sản phẩm chè Thái Nguyên và chè Tuyên Quang – nổi tiếng trong nước và nước ngoài.

 Đậm đà chè Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước. Cây chè là cây trồng đang được tỉnh ưu tiên phát triển. Toàn tỉnh có trên 22,2 nghìn ha chè với sản lượng đạt trên 244,5 nghìn tấn. Giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1 ha chè đạt 270 triệu đồng/ha. Trong đó có gần 20 % diện tích chè được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ở Thái Nguyên có 4 vùng chè  nổi tiếng gồm: vùng chè Tân Cương nằm ở phía Tây thành phố Thái Nguyên; vùng chè Khe Cốc thuộc huyện Phú Lương; vùng chè Trại Cài thuộc huyện Đồng Hỷ và vùng chè La Bằng thuộc huyện Đại Từ. Với vùng nguyên liệu dồi dào đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè. Hiện toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Thái Nguyên cũng đã xây dựng được 60 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Có 12 sản phẩm đã được cấp quyền sở hữu trí tuệ gồm: 1 chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm “chè Tân Cương Thái Nguyên”; 7 nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Chè Thái Nguyên, chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh, chè Phổ Yên, chè Đại Từ; 2 nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Lương và Võ Nhai. Hiện nay, các sản phẩm chè của Thái Nguyên được tiêu thụ rộng khắp trên thị trường trong nước và xuất khẩu đến các quốc gia như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan.

 Độc đáo hương vị chè xứ Tuyên

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Tuyên Quang một vùng sinh thái khí hậu ôn hòa để cây chè thỏa sức thấm hút những tinh túy đất trời. Trên vùng đất này từ bao đời nay, cây chè đã gắn bó với người dân trong tỉnh. Với nguồn nguyên liệu mang hương vị của đất trời gắn kết với bàn tay cốt cách của con người xứ Tuyên đã làm nên những sản phẩm chè nức tiếng bao đời với đặc trưng chỉ riêng Tuyên Quang mới có.

Những năm gần đây, cây chè ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên vùng đất chiến khu cách mạng và Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc về diện tích và sản lượng chè. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 8.330 ha chè với sản lượng gần 70.000 tấn, trong đó có trên 268 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; trên 63 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; gần 915 ha đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance. Tuyên Quang đã xây dựng được 30 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 9 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 21 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Tại Tuyên Quang, sản xuất chè được phân bố thành 2 vùng rõ rệt, đó là chè vùng thấp tập trung tại các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang. Tại vùng chè thấp được trồng bằng các giống chè lai, chè đặc sản, chè trung du với diện tích trên 7.100 ha; Chè vùng cao tập trung tại huyện Na Hang, Lâm Bình, chủ đạo là giống chè Shan tuyết với diện tích trên 1.300 ha. Hiện toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp, 21 hợp tác xã và hàng trăm cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh chế biến chè với sản lượng qua chế biến đạt trên 20.000 tấn/năm, chủ yếu là sản phẩm chè đen và chè xanh tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu ra một số nước thuộc khu vực Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á.

Khai thác và phát huy lợi thế của cây chè

2 tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang mang nhiều đặc điểm tương đồng, nhờ có thiên thời, địa lợi nhân hòa hội đủ mà giống chè ở vùng đất này đã bao đời bén rễ thăng hoa. Trải qua bao năm tháng, chất trà Thái Nguyên - Tuyên Quang vẫn vẹn nguyên tinh túy thơm nồng và trở thành sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà đã vượt đại dương, có mặt ở nhiều quốc gia.

Để nâng tầm cho sản phẩm chè, thời gian gần đây, ngành sản xuất, chế biến chè của tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực, năng suất và chất lượng chè liên tục tăng cao nhờ sự thay đổi về giống, kỹ thuật và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách về phát triển sản xuất và tiêu thụ chè được ban hành đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, mở rộng sản xuất chế biến các sản phẩm chè cao cấp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển toàn diện, bền vững.

Với những lợi thế mà không phải nơi nào cũng có được, một vùng đất hội tụ đủ yếu tố để tạo nên chất trà nức tiếng. Tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đang sở hữu nhiều giống chè chất lượng cao, trong đó có một số giống chè mang hương vị đặc biệt được thị trường quốc tế ưa chuộng. Để đáp ứng yêu cầu ngày cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, các cấp, các ngành của 2 tỉnh này đang thực hiện việc hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã từng bước chuyển đổi mô hình và phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, sản xuất theo hướng hữu cơ vì sự an toàn, bảo vệ sự tinh khôi của hệ sinh thái chè.  Thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Thương hiệu chè Thái Nguyên, chè Tuyên Quang đã và đang ngày càng được khẳng định, và chắc chắn trong thời gian tới, hương vị độc đáo của chè Thái Nguyên, Tuyên Quang sẽ ngày càng bay xa và trở thành sản phẩm du lịch không thể thiếu của du khách. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và định vị hình ảnh cho sản phẩm chè của địa phương. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm chè cũng đã có sự liên kết chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến sản phẩm, từng bước làm thay đổi hình ảnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người làm chè, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Không ngừng nỗ lực để khẳng định mình thông qua việc đầu tư về nhân lực, vật lực, xây dựng uy tín thương hiệu, niềm tin với khách hàng qua những sản phẩm chè mang đậm sắc hương bản địa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng và khắt khe của khách hàng trong nước và quốc tế. Với những giải pháp, bước đi phù hợp, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang đang hướng tới các thị trường tiềm năng, hướng tới sản xuất bền vững và sẵn sàng hội nhập với thị trường thế giới./.

Nguyễn Hải