66 sản phẩm nông nghiệp được công nhận, nâng hạng OCOP

Thứ 4, ngày 3 tháng 5 năm 2023 - 21:38

Ngày 28-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình OCOP năm 2023.


Ngày 28-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình OCOP năm 2023.

Đại biểu thăm quan trưng bày các sản phẩm OCOP.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang.

Năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã đánh giá, xếp hạng  66 sản phẩm OCOP. Trong đó, 6 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 57 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 3 sản phẩm được công nhận nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Riêng sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang) loại 1 tôm, 1 lá đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Huyện Yên Sơn có số lượng sản phẩm được công nhận nhiều nhất với 17 sản phẩm, tiếp đến là huyện Hàm Yên 13 sản phẩm.

Năm 2023, tỉnh tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoá, nâng hạng các sản phẩm OCOP. Trong đó, phấn đấu, đánh giá, phân hạng trên 40 sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng trên 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên hạng 4 sao; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá 3 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng thành tích đã đạt được của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất trong việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho các chủ thể.

Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và các điều kiện để tổ chức thực hiện chương trình OCOP; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về thực hiện OCOP.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân hạng sản phẩm ở các cấp; kiểm tra, giám sát điều kiện sản xuất của các chủ thể và chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận nhằm phát huy hiệu quả thực hiện chương trình…

Theo: TQĐT.