Nâng cao năng lực chế biến nông, lâm sản

Thứ 3, ngày 10 tháng 9 năm 2019 - 14:38

Thời gian qua, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất để nâng cao năng lực chế biến, tập trung chế biến tinh để tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, quốc tế.


Tỉnh ta có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp chế biến bởi có nhiều loại cây công nghiệp như chè, mía, cây lâm nghiệp với sản lượng nằm trong tốp đầu trong khu vực các tỉnh miền Bắc. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng chè búp tươi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 64 nghìn tấn, mía đạt trên 535 nghìn tấn, gỗ rừng trồng đạt trên 800 nghìn m3.  Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, lạc, cây ăn quả...


Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm sản xuất nguyên liệu chè túi lọc xuất khẩu vào các nước EU và Mỹ.

Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp tinh của tỉnh hiện nay. Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng năm công ty đầu tư nâng cấp, sửa chữa, thay mới thiết bị dây chuyền sản xuất. Hiện tại, các máy làm héo, sấy, lên men sản xuất chè đều đã được đầu tư đồng bộ hiện đại bậc nhất về chế biến chè trong nước. Do đó, hàng năm công ty chế biến khoảng 2.000 tấn chè thành phẩm bao gồm chè đen, chè xanh phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Theo ông Chuyền, sản xuất chè thành phẩm xuất khẩu, giá trị gia tăng từ 10 - 20%, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm công ty đạt doanh thu khoảng 81 tỷ đồng, tăng trên 10 tỷ đồng so với những năm trước xuất khẩu chè ở dạng thô.

Công ty TNHH Oanh Phương, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) đang chuyển dần chiến lược sản xuất. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc Công ty cho biết, ngành nghề sản xuất chính của công ty là chăn nuôi, xuất khẩu gia súc. Để nâng cao giá trị sản phẩm, công ty đang liên kết với Hợp tác xã Liên Hiệp, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) và HTX Tiến Quang, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) đầu tư cơ sở giết mổ, chế biến thịt trâu thành phẩm để cung cấp ra thị trường. Ông Oanh chia sẻ, trước đây 100% gia súc của công ty bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu là bán hơi, không qua chế biến nhưng hiện nay công ty đã có thêm sản phẩm thịt trâu tươi, thịt trâu sấy khô đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, hiện nay số doanh nghiệp chế biến sản phẩm thành phẩm vẫn chưa nhiều, mới chỉ tập trung ở một số sản phẩm như chè, gỗ nguyên liệu, mía. Các sản phẩm ngô, lúa, dong riềng cũng đã được đầu tư chế biến nhưng chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, sản xuất chủ yếu là sơ chế tinh bột bằng thủ công, máy móc thiết bị công suất thấp, công nghệ lạc hậu. Do đó, các sản phẩm sơ chế dạng thô chủ yếu bán làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến khiến giá trị gia tăng thấp. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có chế biến nông - lâm sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh đang tập trung một số sản phẩm nông sản trọng điểm, gồm mía, chè, gỗ rừng trồng, tre, nứa; sản phẩm cam, thủy sản, nông sản và sản phẩm chăn nuôi. Đối với ngành mía đường, nâng công suất 2 nhà máy đường hiện có lên 12.000 tấn nguyên liệu. Ngành gỗ, tre, nứa, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục liên kết phát triển vùng nguyên liệu để phát huy tối đa công suất các nhà máy hiện có; phát triển có kiểm soát các cơ sở băm dăm gỗ để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa. Tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy ván ép nhân tạo MDF 30.000 m3/năm, viên gỗ nén  6.000 tấn/năm; ván tre 50.000 m3/năm và nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu với công suất 40.000 sản phẩm/năm tại khu công nghiệp Long Bình An. 

Nguồn: Báo Tuyên Quang