Bước phát triển đột phá - Bài 2: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm

Thứ 6, ngày 18 tháng 9 năm 2020 - 16:59

Ánh sáng từ các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã soi đường giúp các huyện, thành phố khai thác tiềm năng, tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn với nhiều sản phẩm chủ lực, có vị trí vững chắc trên thị trường tiêu thụ trong nước.


Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chè.

Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong những năm qua, tỉnh đã đánh giá, đưa ra những quyết sách có tính chiến lược trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Những cây cam, chè, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng; con trâu, con lợn và con cá đặc sản có lợi thế, sức cạnh tranh cao được quan tâm đầu tư, phát triển bài bản.

Tập trung phát triển cây cam - cây chủ lực hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, ngay từ năm 2014, tỉnh đã có Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành giai đoạn 2014 - 2020. Tỉnh đã tổ chức quy hoạch vùng trồng cam; thực hiện cải tạo, phục tráng giống; chuyển giao kỹ thuật và quy trình canh tác cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho người trồng cam; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại... Theo đồng chí Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên, diện tích cam sành của huyện đã đạt mốc 7.200 ha, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2015. Người trồng cam Hàm Yên đã đi theo hướng chuyên canh, thâm canh cao từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam sành. Toàn huyện Hàm Yên hiện có trên 700 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, điều chưa từng có trong 5 năm trở về trước.

Cùng với cây cam, một số cây trồng chủ lực khác như bưởi, gỗ rừng trồng, chè cũng được đầu tư phát triển. Các chương trình hỗ trợ cây giống chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện hàng năm nhằm tạo ra những bước tiến trong sản xuất. Chỉ tính riêng đối với cây lâm nghiệp, trong 3 năm trở lại đây tỉnh đã thực hiện hỗ trợ giống cây keo lai mô, keo hạt ngoại nhập để trồng trên 3.000 ha rừng chất lượng cao cho các địa phương.

Người dân xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) trồng lạc xuất khẩu mỗi năm thu trên 100 triệu đồng/ha.

Với những cơ chế, chính sách trong sản xuất nông nghiệp, các vùng chuyên canh đã được hình thành với quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có trên 180.000 ha rừng sản xuất, trên 8.500 ha chè, trên 8.600 ha cam, trên 5.000 ha bưởi, 4.500 ha lạc... Giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt của tỉnh ta bình quân đạt 96 triệu đồng/ha/năm, cao nhất từ trước đến nay, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Trong đó, một số cây trồng đạt giá trị cao như cam 197 triệu đồng/ha/năm; bưởi đạt 170 triệu đồng/ha/năm; lạc đạt 131,7 triệu đồng/ha/năm...

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, hệ thống kênh mương, đường giao thông vào các khu sản xuất hàng hóa được mở rộng, hỗ trợ đắc lực cho phát triển sản xuất. Thực hiện kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện kênh bê tông thành mỏng đúc sẵn lắp ghép, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã kiên cố hóa được 780 km kênh mương với kinh phí thực hiện ước 635,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trên 70% kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa. Theo ông Bùi Chí Thanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, chương trình lắp đặt hệ thống kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn mang lại lợi ích “kép”, vừa tiết kiệm nguyên liệu, vừa chống thất thoát nước tưới cho cây trồng. Hiện đã có 10% cây trồng cạn đã được tưới ẩm thông qua hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Đường vào vùng sản xuất hàng hóa cũng đã vươn dài, góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Lương Văn Nho, thôn 4 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) phấn khởi cho biết, 4 ha cam của gia đình trồng trên đồi cao, trước chưa có đường bê tông thu hoạch cam chật vật lắm, hết thuê người gánh đến ngựa thồ, nên chi phí vận chuyển mất 1/4 giá trị của sản phẩm. Cuối 2018, tỉnh hỗ trợ làm đường bê tông, xe tải nhỏ lên tận vườn, thuận lợi hơn rất nhiều, giá trị kinh tế được bảo toàn. Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 414,18 km đường nội đồng vào các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực cam, chè, mía của tỉnh, đạt tỷ lệ trên 35% đường bê tông nội đồng toàn tỉnh.

TOP nhãn hiệu “vàng”

Đi đôi với sản xuất, tỉnh quan tâm xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm nông sản hàng hóa của tỉnh được truy xuất nguồn gốc dễ dàng tiếp cận được thị  trường khó tính nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh khẳng định, hiện tại tỉnh đã có 42 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và từ 1 tỉnh chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp, Tuyên Quang giờ đã vươn tầm đứng vào TOP đầu trong khu vực miền núi phía Bắc, với giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm tăng khoảng 4,19%/năm. Một số sản phẩm của tỉnh đã có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như: Bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn), cam sành Hàm Yên đã 2 lần được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.


Gạo đặc sản Tân Trào (Sơn Dương) là một trong những mặt hàng hút khách.  Ảnh: K.T

Ông Đoàn Văn An, Giám đốc Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên cho biết, được tôn vinh thương hiệu vàng, cam sành Hàm Yên dễ dàng xâm nhập vào các thị trường bán lẻ ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Sản phẩm chè đứng thứ 5 toàn quốc về diện tích, sản lượng và tỉnh ta là một trong số ít tỉnh giữ được thị trường và có sản phẩm chè xuất khẩu vào các nước Đông Âu, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản với trên 4.000 tấn chè khô.

Tỉnh ta hiện đứng thứ 3 của cả nước về tỷ lệ che phủ, với tỷ lệ 65%. Tỉnh ta cũng là một trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, chiếm trên 23% sản lượng toàn vùng. Bình quân mỗi năm, Tuyên Quang trồng mới trên 10.000 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng trồng trong dân và Tuyên Quang cũng là tỉnh thứ 2 cả nước sau Quảng Trị về trồng rừng theo tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC với gần 28.000 ha. Sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC đã chinh phục được hầu hết thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Sản phẩm cá đặc sản nuôi  trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang năm 2017 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách “Địa chỉ xanh, nông nghiệp sạch”.

Nâng tầm nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tổ chức gắn “sao” cho các sản phẩm. Theo kế hoạch trong năm 2020, tỉnh sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng 74 sản phẩm, trong đó, đợt 1 đánh giá xếp hạng 34 sản phẩm; đợt 2 với 40 sản phẩm và tính đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện đánh giá xếp hạng, gắn “sao” được cho 17 sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, những quyết sách, bước đi về nông nghiệp sản xuất hàng hóa tỉnh đã hoàn thành đa mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp chế biến và hướng tới phát triển ngành công nghiệp không khói du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Tuyên Quang