Bước phát triển đột phá - Bài 1: Lấy nông nghiệp làm gốc

Thứ 3, ngày 15 tháng 9 năm 2020 - 16:56

Tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Báo Tuyên Quang có các loạt bài đánh giá về thành tựu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Từ một nền sản xuất nông lâm nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, đời sống của đại bộ phận người nông dân gặp không ít khó khăn, thậm chí không ít hộ nông dân bỏ ruộng, bỏ rừng thì nay họ trở thành ông chủ rừng, ông chủ trang trại, tạo việc làm cho nhiều lao động khu vực nông thôn. Quy mô sản  xuất nông nghiệp ngày càng lớn với mức tăng trưởng bình quân 4%, đã tạo nền móng, điểm tựa cho các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng khác của tỉnh, tạo đà để Tuyên Quang cơ bản hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Lấy nông nghiệp làm gốc là quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Tuyên Quang. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực là một trong những khâu đột phá. Điều này khẳng định, tỉnh ta đặc biệt quan tâm sản xuất nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm gốc, làm tiền đề cho nhiều ngành, lĩnh vực phát triển như du lịch, công nghiệp...


Con đường vào vùng sản xuất hàng hóa thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) được xây dựng đã hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung. 

Từ mục tiêu đã được xác định, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kết luận, quyết định quan trọng để nông nghiệp Tuyên Quang bứt phá, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành ngay Nghị quyết 15 về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn bản tổ nhân dân gắn với sân thể thao và Nghị quyết 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025.

HĐND tỉnh cùng với việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết chuyên biệt hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số loại cây con trên địa bàn tỉnh, đã ban hành Nghị quyết 09 sửa đổi Nghị quyết 12; Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017  về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao và Nghị quyết 03 về nhà văn hóa gắn với sân thể thao, kênh mương nội đồng và đường vào vùng sản xuất hàng hóa đến Nghị quyết 02 về hỗ trợ tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến; Nghị quyết 05 về hỗ trợ phát triển các hợp tác xã nông lâm nghiệp…

Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh khẳng định, chưa giai đoạn nào, kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực từ những nghị quyết lớn như giai đoạn này. Cú huých đến từ những chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện về vốn, hạ tầng, phương tiện sản xuất cho cả người nông dân và doanh nghiệp.

Bà Đoàn Thị Yên, thôn 4 xã Tân Long (Yên Sơn) là một trong hơn 4 nghìn nông dân được hưởng lợi từ Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Bà Yên cho biết: công cuộc thoát nghèo, rồi thoát cận nghèo của gia đình bà sẽ không thể nhanh và hiệu quả như vậy nếu không có sự trợ lực kịp thời khi được hỗ trợ 3 con trâu, gồm 2 con trâu sinh sản và 1 con trâu đực giống từ năm 2016. Trung bình mỗi năm, bà bán được 2 con nghé để có vốn làm ăn. Giờ thì gia đình bà đã thoát diện hộ cận nghèo, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá của xã.


Gia đình bà Đoàn Thị Yên, thôn 4 Tân Long (Yên Sơn) thoát nghèo nhờ được hỗ trợ trâu sinh sản theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh.

Không chỉ các hộ gia đình cá nhân, các hợp tác xã cũng ngày càng lớn mạnh, nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh. Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) thành lập năm 2017. Từ Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, anh Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã được tiếp cận 300 triệu đồng vốn tín dụng để tăng số lượng đàn từ hơn 2 nghìn con lên 6 nghìn con. Năm 2018, huyện Sơn Dương hỗ trợ hợp tác xã 100 triệu đồng để mua con giống; năm 2019, tiếp tục hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng nhãn hiệu và hoàn thành mục tiêu xây dựng chuỗi sản phẩm. Từ một hợp tác xã non trẻ cả vốn lẫn kinh nghiệm, giờ đây Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm đã vươn lên, nằm trong top đầu các hợp tác xã nông lâm nghiệp hoạt động hiệu quả của huyện Sơn Dương. Ngoài đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi giống gia cầm, cuối năm 2019, Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm mở rộng thêm chuỗi dưa chuột. Giám đốc Hợp tác xã Trần Văn Phúc phấn khởi cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù nhiều hợp tác xã lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhờ “gốc” đã vững bền từ quá trình tự lực của các thành viên và sự hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, Hợp tác xã Giống gia cầm Minh Tâm vẫn sống khỏe, 2 chuỗi giá trị về giống gia cầm và dưa chuột đem lại doanh thu trên 12 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Nông nghiệp đã tham mưu xây dựng, điều chỉnh các chính sách từ hỗ trợ phát triển quy mô đầu vào là chính sang hỗ trợ phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường; đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm và được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia thực hiện, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, đến thời điểm này, đã có trên 500 trang trại được hỗ trợ từ Nghị quyết số 10, trong đó ngân hàng cho vay có hỗ trợ lãi suất gần 172 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 là 23,83 tỷ đồng. Đã có 4.063 hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất hàng hóa một số loại cây trồng, vật nuôi được hưởng cơ chế, chính sách từ Nghị quyết số 12, trong đó ngân hàng cho vay có hỗ trợ lãi suất trên 204 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020 gần 35 tỷ đồng; 2 năm 2018, 2019 đã hỗ trợ 1.455 hộ trồng 2.062 ha rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết 03…

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh không chỉ góp phần phát triển kinh tế nông hộ, mà còn hoàn thiện nhanh và bền vững hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Trong gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 03 về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, Tuyên Quang đã kiên cố được gần 945 km kênh mương, nâng tổng số kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa lên gần 2,7 nghìn km, vượt 21,14% mục tiêu mà đề án đã đề ra và vượt 7,46% theo Nghị quyết 15-NQ/TU. Bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa trên 470 km, nâng tổng số đường nội đồng được bê tông hóa toàn tỉnh đến năm 2020 lên gần 653 km trong số 1.639,46 km toàn tỉnh, vượt mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TU là 7,87%... Điều này đã tác động lớn đến quá trình sản xuất, canh tác của nông dân các địa phương.

Cả khu vực Đồng Cỏ, Bách Thành một thời là “cơn ác mộng” đối với người dân thôn Soi Tiên, Phúc Ninh (Yên Sơn). Diện tích canh tác rộng, nhưng đường đi lại chỉ là đường đất khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Trước đây, bà con trồng mía, nhưng do đường giao thông chưa thuận lợi khiến việc tiêu thụ mía nguyên liệu gặp khó, chỉ phát triển vài năm, nông dân Soi Tiên đã phế canh hầu hết diện tích này. Nguyên Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Nguyễn Tiến Hoàn, vốn là người Soi Tiên, cũng không hình dung có một ngày, khu vực này lại thay da đổi thịt đến thế. Tất cả nhờ vào con đường sản xuất dài gần 2.000 mét được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân đóng góp ngày công lao động vào đến tận chân vườn. Thôn Soi Tiên có 88 hộ dân, thì có đến gần 80 ha cây ăn quả các loại. Đồng chí Khúc Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, trong gần 4 năm, Phúc Ninh đã bê tông được gần 16 km đường nội đồng, đường vào vùng sản xuất hàng hóa. Những tuyến đường nội đồng này đã góp phần phát triển vùng cây ăn quả hàng hóa của xã. Phúc Ninh giờ có gần 1.407 ha cây ăn quả, trong đó riêng cây bưởi là 998 ha. Nhận thức được ý nghĩa của việc làm đường bê tông, bà con trong xã đã sẵn sàng hiến đất và đóng góp ngày công lao động để các tuyến đường sớm hoàn thành.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Khánh Thị Xuyến cho biết, việc giám sát, kiểm tra thường xuyên tác động của các chính sách hỗ trợ từ tỉnh đã giúp khắc phục, bổ sung những bất cập trong quá trình triển khai. Nhiều nghị quyết như Nghị quyết 03, Nghị quyết 12, qua kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đã được bổ sung, sửa đổi một số nội dung về hình thức hỗ trợ, diện tích hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐND, ngày 25-7-2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.       

Nguồn: Báo Tuyên Quang