Tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thứ 2, ngày 1 tháng 4 năm 2019 - 11:14

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai rộng rãi ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều vùng chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa đã được hình thành với những sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, để chương trình này thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho người sản xuất, yếu tố quyết định là thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Một số sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh được trưng bày, giới thiệu tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2018.

Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 179 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, trong đó có 38 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Cây bưởi đã gắn bó với người dân Phúc Ninh (Yên Sơn) từ lâu nhưng phải đến năm 2016, xã mới xây dựng được nhãn hiệu bưởi và trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực. Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 920 ha bưởi, trong đó bưởi Diễn chiếm 2/3 diện tích. Điều kiện thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc tốt đã cho những quả bưởi ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ bưởi đã bắt đầu gặp khó khăn, một số nhà vườn bươn trải tìm đầu mối tiêu thụ.

Không ít hộ trồng bưởi ở Phúc Ninh cũng như trên địa bàn tỉnh lo lắng về thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh cho biết, những vụ bưởi trước ông không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm, cứ đến mùa bưởi, thương lái từ Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên lên đặt mua cả vườn. Đến vụ bưởi vừa qua, rất ít thương lái đến vườn đặt hàng khiến bưởi bị giảm giá.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra sản phẩm chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên).

Sản phẩm mật ong Tuyên Quang của Hợp tác xã Phong Thổ và các trang trại nuôi ong quy mô lớn trên địa bàn tỉnh cũng đang khó khăn về đầu ra. Hiện tại giá mật ong các loại đã giảm khoảng 20 nghìn đồng/lít so với cùng kỳ năm 2018. Theo những người nuôi ong, mật ong bị xuống giá là do thị trường tiêu thụ. Bởi trước đây toàn bộ mật rừng, mật ong hoa nhãn được xuất bán sang Trung Quốc, Thái Lan nhưng từ cuối năm 2018 gần như thị trường này bị đóng băng không thể xuất khẩu vào được.

Sản phẩm gạo chất lượng cao Tân Trào (Sơn Dương) thực hiện theo Chương trình OCOP.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người dân đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có mẫu mã, chất lượng, đây được coi là thành công bước đầu của Chương trình OCOP. Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm cho Chương trình OCOP phát triển bền vững, ngày 11-3-2019, UBND tỉnh đã Ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND tỉnh về thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020 trên địa bàn. Mục tiêu phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 sản phẩm; mỗi huyện, thành phố xây dựng được 1 sản phẩm; hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm.

Để Chương trình OCOP phát triển bền vững, ngoài các giải pháp về tuyên truyền, vốn, cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung tổ chức, tham gia hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ các chính sách, biện pháp hỗ trợ các tổ hợp tác, người sản xuất xây dựng, quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm; khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, HTX có đủ tiềm lực tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là Chương trình OCOP… Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, người sản xuất cần mạnh dạn hơn trong tìm kiếm đối tác, hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: Báo Tuyên Quang