Hướng đi đúng và trúng, lan tỏa thương hiệu địa phương

Thứ 2, ngày 13 tháng 8 năm 2018 - 07:49

Mặc dù là tỉnh ta có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng trên mặt bằng chung chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tầm vóc quốc gia. Khởi động Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), mục tiêu của tỉnh là xây dựng ở mỗi huyện 1 đến 2 sản phẩm chủ lực, mỗi xã 1 sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, đạt hiệu quả kinh tế.


Các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện Yên Sơn được giới thiệu, quảng bá
tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã (tháng 1 - 2018).

OCOP được khởi động tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013, bắt đầu từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan. Sáng kiến này đã giúp Quảng Ninh có được “quả ngọt” khi 180 doanh nghiệp thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP. Doanh số của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất từ OCOP hơn 672 tỷ đồng sau ba năm thực hiện chương trình này.

Từ kết quả của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, thực hiện Chương trình trên phạm vi cả nước giai đoạn 2018 -2020, trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trước khi khởi động chương trình, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh. Qua đánh giá sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 35 sản phẩm thế mạnh đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa thuộc các nhóm thực phẩm - đồ uống, đồ lưu niệm - trang trí - nội thất, dịch vụ…

Việc phát triển các cây trồng, vật nuôi gắn với thế mạnh vùng, nhiều sản phẩm trước đây manh mún, nhỏ lẻ nay dần trở thành triển vọng làm giàu, từng bước xây dựng được thương hiệu. Như tại huyện Hàm Yên, khi xác định sản phẩm cam sành là sản phẩm liên xã có diện tích, sản lượng lớn, huyện tập trung phát triển sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường và đã mang dáng dấp của một sản phẩm có tầm thương hiệu, có sức cạnh tranh quốc gia.

Cam sành được lựa chọn là sản phẩm chủ lực của huyện Hàm Yên.

Tại huyện Chiêm Hóa, ngoài nhãn hiệu tập thể Lạc Chiêm Hóa đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu năm 2015. Nhiều xã, thị trấn cũng đã định hướng, xây dựng sản phẩm địa phương. Thị trấn Vĩnh Lộc với sản phẩm bánh gai, xã Linh Phú phát triển sản phẩm chè búp, xã Kim Bình với sản phẩm mắm cá Cổ Linh, xã Vinh Quang với sản phẩm long nhãn…

Yên Sơn tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm bưởi, hồng không hạt tại các xã Xuân Vân, Lực Hành, Phúc Ninh…; sản phẩm miến dong tại các xã Nhữ Hán, Lực Hành; Mỹ Bằng với các sản phẩm gà sạch, trứng gà sạch, táo sạch Yến Minh, khoai da xanh, chè Bát tiên…

Huyện vùng cao Lâm Bình cũng đã có nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như các loại rau rừng (giảo cổ lam, rau ngót rừng), trứng vịt hồ Lâm Bình, lợn đen thả đồi, dê núi…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn lại gần 8 năm xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp còn manh mún; khâu chế biến, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông sản còn yếu; nhiều sản phẩm vẫn bí đầu ra, người sản xuất thiếu vốn, công nghệ...

Ngay sau khi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương trong tỉnh đã rà soát lại toàn bộ các sản phẩm, trong đó, lựa chọn tại mỗi huyện từ 1 đến 2 sản phẩm chủ lực; mỗi xã một sản phẩm chủ lực. Theo ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, sản phẩm chủ lực có thể là sản phẩm sẵn có hoặc sản phẩm mới, nhưng phải thể hiện được tính cạnh tranh, tính thương mại và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Người dân thôn 9 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) có thu nhập ổn định từ trồng cam
theo tiêu chuẩn VietGap. Ảnh: Hải Hương

Đặc biệt, theo ông Ngạc, các địa phương khi rà soát, lựa chọn sản phẩm phải xác định cụ thể đơn vị nào sản xuất để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm lâu dài. Từ đề xuất của các địa phương, tỉnh sẽ xây dựng “Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm”, xác định nguồn lực, các giải pháp hỗ trợ phát triển về hạ tầng, vốn, khoa học công nghệ cho các chủ thể sản xuất sản phẩm; đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại để có cơ hội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi...

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất, mà còn giúp khu vực nông thôn giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Theo TQĐT