Cải thiện chỉ số minh bạch trong PCI

Thứ 2, ngày 30 tháng 7 năm 2018 - 15:08

Minh bạch là một trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này được đánh giá qua 2 khía cạnh, đó là việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện và giám sát thực hiện chính sách. Đây được xem là chỉ số quan trọng nhất, cải thiện chỉ số này giúp doanh nghiệp xây dựng định hướng, chiến lược sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp.


Mọi thông tin được công khai

Tính từ năm 2012 đến nay, chỉ số tính minh bạch trong PCI của tỉnh tăng đều qua các năm, từ 4,98 điểm lên 6,59 điểm. Mức điểm này cao hơn mức trung bình của cả nước (6,34 điểm) đứng ở vị trí 39/93 tỉnh, thành. Để cải thiện chỉ số minh bạch, thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng đẩy mạnh việc công khai hóa các thủ tục hành chính (TTHC), thông tin về thủ tục đầu tư, quy hoạch, định hướng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành. Mọi thông tin đều được đăng tải trên các website của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và được công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ngành có liên quan. Toàn bộ TTHC, quy trình, quy định về các lĩnh vực được niêm yết công khai tại tất cả trụ sở cơ quan các sở, ngành, địa phương. Hiện có 25/25 sở, ban, ngành và 7/7 huyện, thành phố có website.

Hệ thống các website, cổng thông tin đã trở thành địa chỉ tin cậy để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có thể khai thác đầy đủ thông tin chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thông tin tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, các cơ chế, chính sách, bộ thủ tục hành chính của tỉnh... Các trang thông tin điện tử kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp, góp phần công khai minh bạch thông tin, cải cách hành chính, đưa các chương trình, kế hoạch của các cấp, ngành đi vào thực hiện hiệu quả.

Doanh nghiệp tham gia ý kiến tại chương trình “Cà phê doanh nhân”.

Đây cũng là kênh thông tin giao tiếp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân nhằm trao đổi ý kiến, cùng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động của ngành, địa phương. Cổng thông tin xây dựng chuyên trang về doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về chính sách, môi trường đầu tư, TTHC liên quan đến doanh nghiệp; cập nhật hầu hết các thông tin phục vụ doanh nghiệp như quy hoạch, chính sách mới dành cho doanh nghiệp, dự án đấu thầu mua sắm công, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, dự án mời gọi đầu tư, giá vật liệu xây dựng, giá đất…

Tăng cường đối thoại, tiếp thu ý kiến phản biện của doanh nghiệp

Hàng năm, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành, địa phương đều tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đại diện cộng đồng các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Tuyên Quang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện chương trình “Cà phê doanh nhân”, đây là diễn đàn quan trọng để tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Chương trình đã tập hợp đông đủ lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh gặp gỡ các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc từ việc điều hành, cơ chế chính sách.

Thời gian qua, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh được ghi nhận có sự đổi mới tích cực trong việc tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp từ dự thảo văn bản. Các cơ quan, đơn vị soạn thảo đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan.

Những dự thảo có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quyền lợi, trách nhiệm của các doanh nghiệp đều được tổ chức lấy ý kiến tham gia của các tổ chức hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trước khi ban hành các văn bản có liên quan. Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, trong quá trình xây dựng văn bản QPPL có những nội dung liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, Sở Tư pháp rất quan tâm đến việc lấy ý kiến của Hội. Ngược lại, Hội cũng tích cực triển khai lấy ý kiến tham gia của các doanh nghiệp thành viên để đảm bảo quyền lợi cũng như tránh được những thiệt hại do cơ chế, chính sách tác động đến doanh nghiệp.

Năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát đánh giá về vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, quy định của tỉnh, có 65% doanh nghiệp đã tham gia ý kiến, tỷ lệ đứng đầu cả nước. Điểm này cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đến các chính sách, quy định của tỉnh và sự tiếp thu, cầu thị của các cơ quan nhà nước đối với những ý kiến phản biện của doanh nghiệp là hết sức tích cực.

Ông Thập cũng cho rằng, môi trường kinh doanh cấp tỉnh minh bạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật; được tham gia vào quá trình ban hành quy định, chính sách của tỉnh và chính quyền lắng nghe những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp. Trong thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp đem lại hiệu quả khá tích cực để cải thiện chỉ số minh bạch, góp phần quan trọng xây dựng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với tỉnh cùng chung tay tiếp tục cải thiện hơn nữa chỉ số PCI trong những năm tiếp theo.

Theo TQĐT