Giải pháp bền vững mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Thứ 5, ngày 26 tháng 7 năm 2018 - 15:59

Tuyên Quang hiện có 35 nông sản được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có nhiều nông sản có diện tích tương đối lớn, sản lượng cao, như: Cam sành Hàm Yên, lạc Chiêm Hóa, gạo chất lượng cao Kim Phú; bưởi Xuân Vân, Phúc Ninh; vịt bầu Minh Hương… Nếu như trước đây, việc tiêu thụ các loại nông sản chủ yếu là “cái bắt tay” giữa tiểu thương và nông dân, thì hiện có sự chủ động vào cuộc từ nhiều phía, trong đó có cả nhà nước.


 

 Nông sản của tỉnh được giới thiệu và bày bán tại Hội chợ nông nghiệp - thương mại các tỉnh
Trung du miền núi phía Bắc do Trung ương Hội Nông dân tổ chức năm 2017.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bắt đầu từ năm 2016, để mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ cho nông sản hàng hóa, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn thông qua nội dung hợp tác, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi cung cấp rau thịt cho thành phố Hà Nội thông qua 2 cơ sở là Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối thực phẩm an toàn số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, và Cửa hàng thực phẩm sạch An Nguyên ở khu đô thị Tây nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Từ chương trình này, thay vì sản phẩm nông nghiệp chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và thường đối mặt với tình trạng bấp bênh cả về giá lẫn khả năng tiêu thụ như trước đây, đến nay, nhiều sản phẩm đã thâm nhập mạnh vào thị trường ngoại tỉnh, gồm các sản phẩm rau, hoa, quả, chè, mật ong…
 
Không chỉ nhà nước vào cuộc, các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện cũng đã chủ động xây dựng các phương án mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản địa phương. Sau khi được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm vịt bầu Minh Hương do Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bằng Tiến (Hàm Yên) quản lý đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Anh Phạm Duy Lập, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Từ trước khi xây dựng được nhãn hiệu, Hợp tác xã đã chủ động đem sản phẩm đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để quảng bá, liên kết tìm mối tiêu thụ, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mong muốn.
 
Sau khi sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu, Hợp tác xã tiếp tục đưa sản phẩm quảng bá, giới thiệu thông qua các hội chợ nông lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời phối hợp với VNPT Tuyên Quang dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho vịt bầu Minh Hương. Sự chủ động này đã đạt được kết quả tích cực, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhờ thế được mở rộng tương đối, đơn đặt hàng từ các nơi bắt đầu đổ về.
Theo anh Lập, hiện nay cơ bản là sản phẩm không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Vịt bầu Minh Hương hiện đã được các nhà hàng tại các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội đặt hàng, giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg. Hợp tác xã hiện bao tiêu sản phẩm cho hơn 40 hộ chăn nuôi tập trung trên địa bàn xã.
 
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn (Chiêm Hóa) hiện cũng đang giữ vai trò chủ lực trong việc bao tiêu sản phẩm lạc cho người trồng lạc trong xã. Ông Ma Phúc Giải, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, mỗi năm hợp tác xã thu mua xấp xỉ 300 tấn lạc tươi của bà con với giá 10 nghìn đồng/kg, cao hơn so với giá các tiểu thương thu mua khoảng 2 nghìn đồng/kg, thị trường chủ yếu là Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, xác định đây là thị trường bấp bênh, Hợp tác xã cũng thành lập thêm một tổ hợp tác nằm trong hợp tác xã, thu mua lạc sấy khô và cung cấp cho người tiêu dùng tại một số tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng… Đồng thời, từ năm 2017, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn đầu tư một máy ép tinh dầu lạc. Sản phẩm đã được giới thiệu thông qua một số hội chợ nông nghiệp tại Hà Nội và được người tiêu dùng đánh giá tương đối tốt.

 Sản phẩm vịt bầu Minh Hương được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trong ảnh: Đàn vịt của gia đình anh Lương Viết Tiếp, thôn 8 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên).

Ông Ma Phúc Giải cho biết, hiện nay Hợp tác xã đang làm việc với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu lạc Phúc Sơn, qua đó dần chuyển hướng sang chế biến sản phẩm, không phụ thuộc vào việc xuất thô, nâng cao giá trị của sản phẩm lạc địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 15 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác có tham gia liên kết với doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với hợp tác xã và nông dân, 45 trang trại có tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như chè, gỗ rừng trồng, rau, lúa, sắn, ớt, trâu, bò, lợn...

Để đưa nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đến người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nắm nhu cầu về sản phẩm của thị trường, cũng như yêu cầu về chất lượng của từng loại sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục duy trì chương trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với một số sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn. Hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh đang thực hiện minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp an toàn của khoảng 15 doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Theo TQĐT