Cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại

Thứ 3, ngày 26 tháng 6 năm 2018 - 07:51

TQĐT - Mở rộng địa giới hành chính thành phố Tuyên Quang có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.


Theo đánh giá của ngành Công Thương tỉnh, căn cứ phạm vi dự kiến điều chỉnh địa giới, các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm của thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn không có sự biến động đáng kể, chỉ có một số cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Yên Sơn sau khi điều chỉnh địa giới sẽ chuyển sang thành phố Tuyên Quang. Do vậy việc điều chỉnh địa giới không tác động nhiều đến hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như việc triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2020.

Nhiều hộ gia đình ở xã Phú Lâm phát triển dịch vụ thương mại nâng cao thu nhập.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, ban hành kèm theo Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 23-12-2013 của UBND tỉnh đã định hướng phát triển một số cơ sở hạ tầng thương mại lớn trong phạm vi điều chỉnh địa giới theo đề án. Trong đó, xây dựng 1 siêu thị hạng III tại thị trấn Tân Bình, 1 siêu thị hạng II tại trung tâm Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, chợ. Do vậy, việc điều chỉnh địa giới sẽ tác động tích cực và giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thương mại theo quy hoạch, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và tập trung dân cư, góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển mạnh.

Ngành Công Thương tỉnh đã có phương hướng và giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp, thương mại sau điều chỉnh địa giới. Về công nghiệp, ngành tham mưu với tỉnh thực hiện định hướng tập trung đầu tư và sản xuất các sản phẩm mũi nhọn như xi măng, gạch không nung, thép thành phẩm, dệt may. Đồng thời, tiếp tục thu hút thêm các dự án mới về da giày, điện tử và công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, triển khai các giải pháp như tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án nhanh chóng lấp đầy diện tích khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch.

Cùng với đó, ngành tham mưu với tỉnh các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin công nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp về thị trường, sản phẩm, giá cả, nguồn cung cấp nguyên liệu, nguồn lao động. Ngành phối hợp với thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Trong phát triển thương mại, ngành cũng sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền thành phố định hướng, khuyến khích phát triển đa dạng về doanh nghiệp, cơ sở thương mại và kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên địa bàn. Từ đó giúp tăng cường năng lực hoạt động của các doanh nghiệp thương mại và phát triển các phương thức lưu thông hiện đại, nâng cao trình độ hiện đại hóa của các doanh nghiệp thương mại. Đối với các hạng mục công trình hạ tầng thương mại lớn như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh xăng dầu thành phố cũng cần tranh thủ tối đa nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Tuyên Quang sẽ có tác động tích cực về kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn, góp phần mở rộng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

 Thùy Linh