Đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch: Vượt chông gai, hái “quả ngọt”

Thứ 3, ngày 3 tháng 7 năm 2018 - 15:42

TQĐT - Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao đang dần hiện hữu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, khi nhiều tổ chức, cá nhân bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực mới mẻ này. Tuy còn nhiều chông gai, nhưng với lợi thế của một tỉnh mà nền nông nghiệp đang chiếm ưu thế, thì câu chuyện “hái quả ngọt” là điều không xa với những người dám dấn thân.


 Những “viên gạch” khởi điểm

Trang trại hơn 2 ha của ông Phạm Văn Hùng, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn) đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, đầu năm 2012. Lấy tiêu chí tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, ông Hùng áp dụng hoàn toàn tiêu chuẩn hữu cơ trong sản xuất. Ông thu gom phân chuồng của người chăn nuôi trong xã, ủ với phân xanh và vôi để làm phân bón; nước tưới cho rau lấy từ nguồn nước giếng khoan; việc phòng trừ sâu bệnh cho rau được công nhân bắt tay thủ công hoặc pha chế thuốc từ chính các loại rau củ như tỏi, ớt…

Mùa nào thức nấy, mỗi ngày, trang trại rau xanh của ông Phạm Văn Hùng cung cấp hơn 300 kg rau củ quả cho Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương - đơn vị ký kết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm của trang trại và một số bệnh viện tại Hà Nội. Ngoài rau sạch, ông Phạm Văn Hùng xây dựng thêm hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà sạch, đa dạng thêm sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Trang trại của ông Phạm Văn Hùng, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn)
ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ.

Để trang trại từng bước được đầu tư hiện đại, tiệm cận dần với sản xuất công nghệ cao, ông Phạm Văn Hùng đầu tư toàn bộ hệ thống tưới nước tự động, đồng thời đang tiến hành làm giàn và nhà lưới để áp dụng các bước đầu tiên trong sản xuất theo công nghệ tự động. Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, hiện ông Phạm Văn Hùng đang tiếp tục xây dựng thêm 1 trang trại 3 ha tại thôn Phượng Hùng 1, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), các tiêu chuẩn sản xuất sạch vẫn được áp dụng triệt để như tại trang trại ở Đội Bình.

Khởi động muộn hơn, trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp xanh Thành Công (Yên Sơn) cũng đã tìm kiếm được thị trường ổn định cho sản phẩm của mình. Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp xanh Thành Công cho biết, năm 2017, khi đầu tư vào chăn nuôi lợn với quy mô 500 con/lứa, ông đã tập trung chăm sóc hoàn toàn theo hướng sạch, an toàn và được cấp chứng nhận VietGAP vào cuối năm 2017. Cũng thời gian này, trang trại của công ty được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận là chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thành Công cung cấp đầu vào cho các Siêu thị lớn tại Hà Nội như Vinmart, BigC... Trung bình, mỗi ngày đơn vị xuất chuồng khoảng 3 tạ lợn hơi.

Xóa rào cản, phát triển bền vững

Rào cản lớn nhất trong đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch bước đầu có ứng dụng công nghệ cao là quỹ đất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay hầu hết diện tích canh tác của bà con là nhỏ lẻ, không tập trung, trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có chế tài cụ thể trong việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất.

Xóa rào cản này, những người dấn thân vào lĩnh vực này tự tìm giải pháp “cởi trói” cho mình. Ông Phạm Văn Hùng cho biết, trước khi bắt tay vào thành lập trang trại, gia đình ông cũng chỉ có vài sào ruộng để canh tác. Đúng thời điểm lao động nông thôn bắt đầu suy giảm, nhiều nông dân quanh vùng để đất bỏ không, ông bỏ tiền mua lại đất của bà con, từ 1 ha, dần dần tích tụ thành 2 ha.

Trong khi đó, UBND phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) lại có cách làm hoàn toàn khác. Để có thể triển khai mô hình sản xuất măng tây sạch ứng dụng bước đầu công nghệ tưới tiên tiến tại địa phương, Ỷ La lấy 5 ha đất công ích của phường, xây dựng một khu sản xuất riêng biệt, trong đó, toàn bộ 5 ha măng tây được trồng cùng một thời điểm, chăm sóc theo 1 quy trình thống nhất do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm hướng dẫn và ban hành, thu hoạch cùng lúc, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất an toàn, đồng bộ…

Không chỉ khó khăn về quỹ đất, việc thay đổi thói quen sản xuất của nông dân hiện cũng là vấn đề khó. Đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích hơn 2 ha, nhưng anh Trịnh Xuân Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Duy Phát, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) không dám khẳng định sản phẩm của mình là sản phẩm hữu cơ, mà chỉ nhận là sản phẩm sạch. Anh Thanh cho rằng, quy trình sản xuất hữu cơ liên quan rất nhiều đến vùng đệm, trong khi vùng chè ở Mỹ Bằng lại tương đối rộng. 2 ha anh liên kết với nông dân nằm xen kẽ trong các nương chè khác, nên những tác động bên ngoài có thể ảnh hưởng đến quy trình do công ty anh áp dụng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện đã xây dựng được một số mô hình sản xuất sạch, như mô hình sản xuất cam VietGAP diện tích 195,7 ha tại Hàm Yên, Chiêm Hóa; vùng chè theo tiêu chuẩn VietGAP và Rainforest là 830 ha. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trên các cây cam, chè, bưởi, rau… Theo tính toán, giá trị thu được từ 1 ha sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP tăng gấp 1,5 lần so với sản xuất thường; thị trường cũng được mở rộng và dễ được người tiêu dùng chấp nhận hơn.

Tuyên Quang cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ, sự ra đời của hội sẽ hỗ trợ các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp sản xuất phân hữu cơ; đồng thời phối hợp xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất theo hướng hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi tại các vùng sản xuất hàng hóa gồm Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa…

Trần Liên