Ngọt ngào làng bưởi Ngòi Xanh

Thứ 2, ngày 2 tháng 7 năm 2018 - 14:25

TQĐT - Mảnh đất trù phú thôn Ngòi Xanh 2, xã Phú Lâm (Yên Sơn) từ lâu đã gắn bó với cây bưởi, cho giá trị kinh tế gấp bội so với những cây trồng khác. Cây bưởi và mảnh đất Ngòi Xanh hòa quyện vào nhau để dần khẳng định thương hiệu.


Từ chuyện anh em họ Đàm khởi nghiệp

Dưới nắng, vườn bưởi sai oằn cành trĩu quả, ông Đàm Văn Trung gương mặt tươi rói kể lại chuyện làm nông nghiệp của chính mình bằng nghị lực và niềm đam mê. Từ năm 1999, ông gom góp vốn liếng sau bao năm dành dụm, mua lại đất trồng cây tạp của người dân để dồn điền thực hiện ý tưởng trồng cây bưởi.

Ông đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua giống, mua đất. Ông lo 1 thì vợ lại lo 10, có những lúc hai vợ chồng tính chuyện bàn lùi vì lo sẽ thất bại bởi trước nay ở xã chưa có ai trồng bưởi. Con đường khởi nghiệp từ nông nghiệp vất vả lắm chứ không như bây giờ. Ngày đó, tuy mua được đất nhưng khi đặt chân lên đây thì tâm trạng đầy lo toan, khó khăn trăm bề bởi mảnh đất đã mất đi độ dinh dưỡng do hậu quả của tư duy nông nghiệp hạn chế khi trồng cây tạp nhiều năm làm đất bạc màu. Nhưng cái lợi mà ông nhìn ra chính là từ dòng suối Ngòi Xanh, nước quanh năm xanh mát, chẳng lo chuyện thiếu nước tưới.

Ông Trung bảo, nhìn dòng nước hiền hòa là thế mà vào mùa nước nổi, cả dòng xối xả vào tới chân chòi gác vườn. Nhìn cảnh hai bố con cõng nhau qua suối để đi học, vợ ông vừa giận vừa thương. Giận vì nỗi đâu “bỏ” nhà mặt đường vào nơi đồi vườn để chịu cảnh nheo nhóc, thương vì cái nghèo mà quyết tâm lập thân lập nghiệp. Thế rồi quyết tâm của hai vợ chồng đã thành hiện thực. “Mất ba tháng cần mẫn lao động phá bỏ cây tạp, dọn từng ụ mối và cải tạo vườn, tôi về Thượng Mỗ, Hà Tây cũ mua giống bưởi diễn đem về trồng xuống vùng đất mới với tràn đầy kỳ vọng”, ông Trung kể.

 

Ông Nguyễn Đức Thập (bên phải), thôn Ngòi Xanh 2, xã Phú Lâm (Yên Sơn) trồng 200 cây bưởi, trong đó có 100 cây đã cho thu hoạch.

Mới trồng trên đất mới, bưởi chưa thích nghi, nhiều cây bị chết, cho rằng cây chết do trồng không đúng kỹ thuật, ông Trung tự nhủ với lòng phải tìm mọi cách giữ lại vườn bưởi. Ông tìm tòi học hỏi qua sách vở, qua kinh nghiệm của những người thành công lẫn thất bại, những nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp về cây bưởi trong và ngoài tỉnh. Thế rồi ông ngộ ra rằng, cây bưởi nếu chú ý tới bộ rễ thì chẳng phải lo nhiều tới chuyện tìm bệnh của cây. Ông đánh rãnh thoát nước để tránh nước đọng lâu dễ làm cây bưởi bị úng nước mà chết. Hệ thống tưới tự động cũng được ông đầu tư ngay từ đầu, với hơn 20 triệu đồng ông lắp ngầm toàn bộ hệ thống ống tưới, khi cần tưới bưởi, chỉ cần một thao tác là toàn vườn sẽ được tưới và ngắt hệ thống khi đủ độ ẩm cho cây. Ông Trung bảo, “thức ăn” cho cây là nước và phân hữu cơ hoàn toàn chẳng cần đến loại thuốc hay phân hóa học.

Để tính chuyện “lấy ngắn nuôi dài” chờ bưởi có quả sau hơn 4 năm trồng, ông tận dụng trồng xen kẽ các loại như cam canh, bầu bí, chanh tứ thì, mướp nhằm có thêm thu nhập vừa giúp cải tạo đất, vừa tạo nguồn phân xanh cho cây. Để có vốn theo nuôi cây bưởi, ông còn nuôi gà để tận dụng nguồn phân bón cho vườn bưởi đang trồng. Việc này vừa tiết kiệm được khoản tiền mua phân bón, vừa giúp đất tơi xốp, bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây bưởi mau đơm bông kết trái. Với gần 140 gốc bưởi đã cho thu hái, ông thu về gần 250 triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, ông còn liên kết tư vấn kỹ thuật với nông dân các xã Lực Hành (Yên Sơn) và một số xã ở tỉnh Yên Bái để hình thành các vườn bưởi cho thu nhập cao.

Các em của ông Trung, ông Đàm Văn Chính, Đàm Văn Sơn rồi cả người em rể Ma Công Tố, người con trai Đàm Văn Thuận cũng bởi gắn bó với nghiệp trồng bưởi mà nên cơ ngơi. Bưởi của đại gia đình họ Đàm vươn tới các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Yên Bái rồi xuôi về Thủ đô Hà Nội.

Lan tỏa tới người dân

Theo khắp lối rẽ được thảm bằng bê tông, những khoảng đồi vườn tạp thưa thớt trước đây được người nông dân chuyển đổi thành công mô hình trồng bưởi xen ghép với chanh tứ thì, cam đường canh. Ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng thôn Ngòi Xanh 2 bảo, giờ lối vào các vườn bưởi đều được bê tông hóa thế này, thuận tiện cho việc chăm sóc cùng thu hái bưởi đấy. Nhờ vậy chẳng có chuyện lái thương ép giá được bà con đâu. Từ cây bưởi người dân xây dựng nhà ở khang trang, đắp xây cuộc sống ấm no cho con em. Thôn có 98 hộ dân thì nay có 20 hộ trồng bưởi, diện tích bưởi cả thôn trên 30 ha, trong đó có trên 20 ha đã cho thu hái. Từ cây bưởi, gia đình thu nhập ít thì 50 đến 70 triệu đồng, người nhiều thì tới cả vài trăm triệu đồng. Cả thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, những hộ trồng bưởi đều là những hộ khá, giàu.

Đang thao tác để hoạt động hệ thống tưới vườn bưởi tự động, ông Nguyễn Đức Thập chia sẻ bí quyết: “Việc đầu tư hệ thống tưới vừa không mất nhiều công sức cho người chăm vừa đảm bảo cây luôn đủ nước. Ông bố trí mật độ mỗi vòi tưới van xòe sẽ tưới được 4 gốc bưởi, nước được lấy về bể xây trên đỉnh đồi vì thế áp lực nước chảy xuống sẽ mạnh và đồng đều”. Gia đình ông Thập có hơn 200 gốc bưởi, trong đó có trên 100 gốc cho thu. Hầu hết các hộ dân trong thôn học theo mô hình trồng bưởi của gia đình ông Trung. Chính vì vậy kỹ thuật cũng truyền tai nhau mà thành “bí kíp”.

Từ chuyện sử dụng phương pháp dân gian, dùng gừng, ớt hòa nước thay thuốc trừ sâu để xua đuổi côn trùng những khi cần thiết; kết hợp dùng phân gà ủ, phân dơi… bón cho cây bưởi đến chuyện tự bảo nhau cắt cỏ chứ không dùng thuốc diệt cỏ sợ làm ảnh hưởng đến chất lượng bưởi và vật nuôi khác. Nhờ vậy, bưởi tại thôn được khách hàng xem là bưởi sạch, được ưa chuộng. Nói đến đây, ông Thập nheo mắt cười khoe, anh con trai của ông đang học năm bốn đại học nông nghiệp, đây sẽ là nền tảng về kỹ thuật để gia đình ông mở rộng quy mô và trồng bưởi đảm bảo theo quy trình. Chất lượng bưởi sẽ được nâng cao hơn.

Tư duy mới trong sản xuất gắn với tiêu thụ, ông Thập cho rằng, để có thị trường ổn định thì vấn đề sống còn là xây dựng thương hiệu nhằm tăng năng lực cạnh tranh. Hiện nay, thôn cũng mong muốn thương hiệu bưởi của người dân trong thôn nói riêng và bưởi của các địa phương khác trong tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu và vươn tới các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của cả nước. Đó là điều quý, mong mỏi của bà con lúc này.

Về Ngòi Xanh, những tán bưởi có tuổi lên tới 17 năm sà xuống cả lối đi, từng nếp nhà cao tầng ẩn hiện trên mỗi khoảng đồi trù phú khiến ai nấy nhìn đều trầm trồ thán phục. Bên những cây bưởi trĩu cành, bên những người nông dân tài hoa, nâng chén chè ướp hương hoa bưởi, càng mừng hơn khi lớp trẻ như con trai ông Trung, con trai ông Thập đều hướng về quê hương phát triển cây bưởi thành thế mạnh kinh tế vững chắc.

Thùy Linh