Na Hang phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thứ 6, ngày 7 tháng 8 năm 2020 - 10:52

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Na Hang đã có bước phát triển, đạt mức tăng trưởng trên 4%/năm. Nông nghiệp chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa với các vùng sản xuất chuyên canh hiệu quả như vùng sản xuất chè Shan tuyết với 1.308 ha tại các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; vùng sản xuất rau an toàn 25 ha và 30 ha lê tại xã Hồng Thái; vùng nuôi trồng thủy sản ở hồ sinh thái Na Hang có 104 hộ và 2 doanh nghiệp tham gia với 809 lồng cá các loại.


Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay huyện có 4 sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, gồm: Rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, cá đặc sản Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái. Các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: Rau an toàn Hồng Thái, Khâu Tinh, cá đặc sản Na Hang; sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Organic). Ngoài ra, sản phẩm cao chanh Khau Tinh; lê Hồng Thái đã có tem truy xuất nguồn gốc.


Cá lồng đang trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Na Hang.

Xã Hồng Thái là một trong những địa phương của huyện Na Hang đi đầu trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hiện nay, xã đã quy hoạch phát triển 37 ha cây ăn quả; hơn 25 ha trồng bắp cải, súp lơ, cà chua, su su...). Xã duy trì và phát triển 61,6 ha chè Shan tuyết, 30 ha chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết giữa người nông dân với nhà khoa học, các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị.

Là một trong những chủ doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang, anh Phạm Anh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Đức Nguyên cho rằng, để phát triển chăn nuôi cá đặc sản, ngoài quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt thì diện tích lớn, nguồn nước sạch là yếu tố tiên quyết để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với thủy sản đặc sản được coi là khó tính nhất như cá bỗng, lăng chấm, chiên, cá quả... Gần 10 năm nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ với quy mô 30 lồng, trong đó có 10 lồng cá đặc sản, chưa năm nào anh gặp bất lợi, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi con cá chiên, lăng chấm sau 3 năm đạt trọng lượng từ 2,5 - 3 kg, với giá từ 480 - 600 nghìn/kg mang lại nguồn thu không nhỏ cho công ty.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững, thời gian tới phòng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm nông nghiệp của từng địa phương. Mở rộng vùng sản xuất đậu tương, đậu xanh, lúa nếp cái hoa vàng tại các xã có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi đàn gia súc (đàn trâu, đàn bò, đàn dê); khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi cá trên hồ sinh thái gắn với chế biến thủy sản. Huyện từng bước xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho người dân…

Nguồn: Báo Tuyên Quang