Xây dựng, quản lý nhãn hiệu hàng hóa: Còn nhiều việc phải làm

Thứ 3, ngày 19 tháng 11 năm 2019 - 13:52

Nhãn hiệu hàng hóa được coi là bước đi đầu tiên để nông sản địa phương tiếp cận thị trường và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Với lợi thế là địa phương có nhiều nông sản đặc trưng, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ và đề xuất giải pháp khuyến khích các địa phương chủ động tiến hành các biện pháp xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể.


Không để “cha chung không ai khóc”

Tuyên Quang hiện có 47 nông sản đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu. Các nhãn hiệu này hầu hết do các hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý, xây dựng và phát triển. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều nông sản sau khi được bảo hộ nhãn hiệu, giao về các hợp tác xã quản lý, đang gặp khó về vấn đề tiếp cận thị trường. Có thể kể đến như sản phẩm Mắm cá ruộng Cổ Linh của xã Kim Bình (Chiêm Hóa); Chè Shan Khau Mút của Thổ Bình (Lâm Bình). 

Chè Shan Khau Mút, Thổ Bình (Lâm Bình) được cấp nhãn hiệu hàng hóa từ tháng 5 - 2017. Ông Phượng Quý Chu, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tiến - đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể này thừa nhận, sau hơn 2 năm có nhãn hiệu, sản phẩm này vẫn chưa thực sự đạt được những kỳ vọng về cả thị trường lẫn giá bán. Nguyên nhân, theo ông Chu, là do những khó khăn trong vấn đề thu hái, chế biến sản phẩm. Chè Shan Khau Mút được trồng ở nơi đường giao thông không thuận lợi, việc thu hái sản phẩm thường mất cả ngày trời, trong khi sản phẩm này chỉ ngon sau khi thu hái được sơ chế ngay. Ông Chu cho biết, giải pháp tới đây của Hợp tác xã này là liên kết với một số doanh nghiệp ở Mỹ Bằng, Phú Lâm (Yên Sơn), trong đó đơn vị này thực hiện công đoạn sơ chế ngay tại điểm thu hái, sau đó chuyển về những doanh nghiệp này để thực hiện các bước chế biến, đóng gói và tiếp thị sản phẩm.


Các nông sản có nhãn hiệu của huyện Chiêm Hóa tham gia trưng bày trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên năm 2019.

Vịt bầu Minh Hương được cấp chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2015. Tuy nhiên, cũng nhờ sự nổi tiếng và giá trị kinh tế cao, cho nên thương hiệu này đang bị một số người bán hàng lợi dụng đánh tráo, gây thiệt hại cho thương hiệu và làm mất niềm tin của khách hàng. Ông Phạm Duy Lập, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Bằng Tiến, đơn vị trực tiếp quản lý nhãn hiệu này cho biết, giải pháp của Hợp tác xã là dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của các hộ chăn nuôi tại đây. 

Chậm nhưng chắc

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên bắt đầu được Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện từ năm 2017. Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Hàm Yên, Cục Sở hữu trí tuệ, các tổ chức tư vấn về sở hữu trí tuệ xây dựng thuyết minh dự án “Xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành Hàm Yên, của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang”. Hồ sơ đã nộp về Cục Sở hữu trí tuệ đúng quy định. Đến tháng 4-2019, Bộ Khoa học và Công nghệ mới có quyết định phê duyệt dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, bắt đầu thực hiện từ năm 2019. Theo ông Hải, việc triển khai dự án có chậm so với mong muốn nhưng phải theo các quy định, trình tự pháp luật về khoa học và công nghệ.

Sau Cam sành Hàm Yên, sản phẩm Chè Shan tuyết Na Hang theo đánh giá sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ là cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn để xây dựng Chỉ dẫn địa lý. Hiện Na Hang đang tích cực phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các đơn vị tư vấn để lập hồ sơ đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết. Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bùi Minh Hải khẳng định, dự kiến đến năm 2020 tỉnh Tuyên Quang sẽ có 2 sản phẩm được mang Chỉ dẫn địa lý đó là sản phẩm Cam sành Hàm Yên và sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu hiện nay không gặp khó khăn gì. Nếu năm 2009, cả tỉnh chỉ có 8 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ thì hiện con số này đã là 43, tăng 5,3 lần. Kết quả này có được nhờ các chính sách của tỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm nông sản mới và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, qua đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.    

Nguồn: Báo Tuyên Quang