Đẩy mạnh số hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

Thứ 6, ngày 13 tháng 1 năm 2023 - 10:27

Năm 2022 vừa đi qua, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức kỷ lục. Đẩy mạnh số hóa là giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, giúp hoạt động này đạt được kết quả cao trong năm 2023.


Đạt kỷ lục nhưng xuất nhập khẩu vẫn đối diện với thách thức

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%.

CEO Nguyễn Tuấn Vinh: 1908v.com đã lên kế hoạch thực hiện dự án "Trung tâm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu" tại ấp Tân Thới 3, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh

 

Đánh giá về kết quả này, ông Nguyễn Tuấn Vinh - nhà sáng lập và CEO của nền tảng kết nối xuất nhập khẩu toàn cầu 1908v.com (nền tảng kết nối xuất nhập khẩu toàn cầu với hơn 50.000 gian hàng của các nhà sản xuất và hơn 30.000 nhà nhập khẩu và môi giới thương mại đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới) chia sẻ, đây là thành quả ấn tượng. Để có được thành quả này là nhờ vào sự năng động của Chính phủ khi những năm qua Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại của các khu vực tạo sự thuận lợi cho hàng hoá tiếp cận các thị trường khó như EU, Mỹ, Nhật Bản… Thêm vào đó là sự quyết liệt trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân để Việt Nam sớm trở lại hoạt động sản xuất bình thường.

"Bên cạnh đó, Trung Quốc - công xưởng của thế giới với chính sách zero COVID đã hạn chế khách hàng tiếp cận nhà sản xuất, dẫn đến một số khách hàng đã chuyển sang các nhà cung cấp của Việt Nam", ông Nguyễn Tuấn Vinh nói.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn hơn trong giai đoạn cuối năm 2022 cho đến nay. Theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu. Những lợi thế về thị trường trong quý IV/2022 và quý I/2023 sẽ không còn vì lạm phát đã "ngấm sâu" vào các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới, dự báo xuất khẩu trong quý I/2023 sẽ bị sụt giảm. Việc Trung Quốc mở cửa lại sau đại dịch COVID-19 sẽ là thách thức đối với các nhà sản xuất trong nước.

Số hóa hoạt động xuất nhập khẩu

Nhìn vào con số tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 468,7 tỷ USD, tăng 12,1% (tương ứng tăng 50,76 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 205 tỷ USD, tăng 10,9% (tương ứng tăng 20,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước chiếm chưa tới 1/3, ông Nguyễn Tuấn Vinh nêu quan điểm: Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững chúng ta cần hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Việc đầu tiên đó là cần chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất.

Bên cạnh đó, tích cực đưa các doanh nghiệp trong nước đi tham gia các hội chợ thương mại quốc tế. Có những chính sách, chế độ thu hút nhà môi giới thương mại quốc tế đến hoạt động tại Việt Nam. Mỗi Việt kiều là một người quảng bá sản phẩm Việt Nam tại nước sở tại. Ngoài ra thủ tục hải quan cần được thực hiện nhanh hơn, giúp việc thông quan nhanh chóng.

Với lợi thế công nghệ, 1908v.com đang nỗ lực triển khai các giải pháp giúp hàng hoá Việt Nam tiếp cận khách hàng quốc tế. Cụ thể, 1908v.com đang triển khai và thời gian tới sẽ đưa vào hoạt động nền tảng phân phối hàng hoá. Khi đó 1908v.com sẽ trực tiếp phân phối tại các thị trường quốc tế cho các nhà sản xuất.

"Chúng tôi đang xin phép Thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi xây dựng Trung tâm tập kết hàng hoá xuất nhập khẩu. Đó sẽ là Trung tâm trưng bày hàng mẫu quốc tế và trong nước phục vụ xuất nhập khẩu; hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ngành hàng thủ công truyền thống và là điểm trung chuyển hàng hóa", ông Vinh chia sẻ.

1908v.com đã lên kế hoạch thực hiện dự án "Trung tâm tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu" tại ấp Tân Thới 3, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có dịch vụ kho bãi, kho lạnh chất lượng, có năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, sản xuất, đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh, đáp ứng nhu cầu thị trường góp phần tăng hiệu quả kinh tế địa phương cũng như của cả nước.

Mục tiêu cụ thể của dự án là phát triển mô hình kho bãi hàng hóa và các dịch vụ liên quan chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần cung cấp dịch vụ chất lượng, hiệu quả góp phần phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Dự án thiết kế với kho thuê kho chứa, bãi hàng hóa 48.000 tấn/năm; dịch vụ đóng gói, phân phối hàng hóa 31.000 tấn/năm; dịch vụ hỗ trợ khác 7.900 tấn/năm; khu triển lãm, hội thảo 240 tấn/năm. Dự kiến, dự án hàng năm cung cấp ra cho thị trường các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng khác biệt, đồng thời, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân địa phương, nâng cao cuộc sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của người dân trên địa bàn và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Tổng mức đầu tư của dự án là 474.851.983.000 đồng. Trong đó vốn tự có (20%); vốn vay - huy động là 80%. Hằng năm, dự kiến dự án sẽ đóng góp vào ngân sách địa phương trung bình khoảng 10,6 tỷ đồng thông qua nguồn thuế thu nhập từ hoạt động của dự án. Đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương. Góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Nguồn: Báo Chính phủ