Sự khác biệt từ chè Làng Bát

Thứ 2, ngày 22 tháng 4 năm 2019 - 07:33

Chuyên tâm với cây chè và những cách thức sản xuất an toàn, người dân thôn 3, thôn 5 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã từng bước đưa hương chè xứ Tuyên bay xa, chinh phục những thị trường khó tính.


Cây làm giàu

Những năm 90 của thế kỷ trước, cả một vùng Làng Bát, bà con đua nhau trồng sả. Cây sả có mặt khắp vườn, khắp đồi. Tuy nhiên, sau một thời gian, giá cả cũng như thị trường cho loại cây này thu hẹp lại, đây cũng là loại cây làm nghèo đất một cách nhanh chóng, chính quyền từ huyện đến xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, trong đó ưu tiên lựa chọn cây chè.

Bà Đặng Thị Răm, thôn 5 Làng Bát, năm nay đã gần 70 tuổi nhớ lại: Trước khi cây chè bén duyên với đất Làng Bát, thì bà con cũng đã “thử” qua vài loại cây trồng khác, từ cây cam, cây mía rồi mới đến cây chè. Lúc trồng chè, cũng chỉ nghĩ đây là cây trồng “xóa đói giảm nghèo” thôi chứ không ai nghĩ sẽ có ngày, thu nhập của cả gia đình trông vào loại cây này.

Những ngày đầu cán bộ đến vận động, bà con vẫn trồng theo tư tưởng đối phó. Nhiều nhà trồng chè 1 vài năm, sau phá bỏ trồng cây ăn quả. Có nhà vừa trồng chè, vừa trồng cây ăn quả, tại thôn 3 Làng Bát vẫn còn một số diện tích chè “lồi lõm” do chủ vườn xen cam, chanh lẫn với chè. Bà Răm bảo, giống như cây chè đã chọn vùng Làng Bát để phát triển, những diện tích vườn trồng xen cây ăn quả hoặc phá bỏ chè thay bằng cây ăn quả đều không cho thu nhập cao.

Người dân thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) thu hái chè.

Lợi thế của người dân 2 thôn Làng Bát là khu vực trồng chè có diện tích đủ lớn, lại tập trung. Cả một vùng chè vài chục ha đều nằm trên một dải đồi trải rộng. Phía lũng dưới là hồ Làng Bát rộng chừng 2 ha cung cấp nước tưới cho cây chè. Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát chia sẻ, khi về đây thu thập mẫu đất, mẫu nước, cán bộ của tổ chức chứng nhận VietGAP đã phải trầm trồ bởi đồi chè đều chằn chặn, xanh ngát một màu. Theo nhiều người dân, chè Làng Bát nổi tiếng chính bởi thổ nhưỡng đặc trưng ấy.

Từ cây trồng xóa đói giảm nghèo, cây chè trở thành cây làm giàu của người dân Làng Bát. Trung bình mỗi năm người trồng chè 2 thôn Làng Bát có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Hướng tới sản xuất sạch

Chè xanh Làng Bát nổi tiếng bởi đặc trưng nước chè xanh mát, thơm dịu. Tuy nhiên, cách thức sản xuất thì chưa theo một quy chuẩn nào cả. Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát bảo rằng, bao nhiêu năm làm chè, nhưng ngay từ việc chăm sóc chè mạnh ai nấy làm, mỗi nhà một phách vì không ai tiết lộ bí quyết cho ai. Cứ chăm, cứ thúc cho chè lên càng mau lứa càng được coi là giỏi. Phun thuốc thì cứ sâu chết đến hết là được. Đến lúc thu hái hay bảo quản cũng vậy, không phải bởi không có ý thức làm chè sạch mà trên thực tế người dân nắm bắt kỹ thuật sản xuất chè an toàn còn rất hạn chế.

Trước tình hình này, năm 2010, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vào cuộc, đưa người trồng chè Làng Bát đi tham quan mô hình làm chè VietGAP tại Thái Nguyên. Đồng thời, thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè sạch Làng Bát, với 30 hộ tham gia trên diện tích 16 ha chè. Sau đó, cán bộ hướng dẫn bà con về quy cách trồng, chăm sóc, bón phân, phòng bệnh, thu hoạch theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian. Tổ viên được phân khu trồng và bắt buộc thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng. Chỉ những lô chè thu hái đúng thời gian cách ly khi bón phân hay phun xịt thuốc bảo vệ thực vật mới được đưa đến cơ sở chế biến.

Ông Ninh Văn Tuyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát chia sẻ, khi đi tham quan học tập, đã có ít nhiều quan ngại về sự phức tạp và cầu kỳ của phương thức sản xuất mới. Nhưng khi bắt tay vào làm, tổ hợp tác đã xây dựng được quy chế hoạt động, thành lập nhóm tự quản, tổ giám sát thì công việc cứ thế trôi chảy. Ông Tuyên bảo, cái được lớn nhất của làm chè sạch là bảo vệ được sức khỏe của người nông dân, bảo vệ được đất đai, đồi bãi. Điều đáng nói là hầu hết các hộ dân đều nhận thấy việc sản xuất theo quy trình mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ đó, tất thảy đều tự giác thực hiện, hiệu quả chính là chất lượng cũng như giá thành của sản phẩm chè được nâng lên.

Sản phẩm chè xanh Làng Bát được giới thiệu tại Phòng trưng bày và bày bán sản phẩm của Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang.

Cùng với sản xuất VietGAP, các biện pháp sản xuất an toàn, sạch và ưu việt được đem đến với người trồng chè Làng Bát một cách triệt để và đồng bộ hơn. Từ áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây chè đến sản xuất theo định hướng hữu cơ. Theo đó, toàn bộ 30 ha chè VietGAP của người dân 2 thôn 3, thôn 5 Làng Bát từ chối cách thức sản xuất vô cơ. Bà con quay về cách sản xuất truyền thống, phối trộn, tận dụng các nguyên liệu tự nhiên như phân chuồng, phân xanh, ủ hoai mục để thay thế phân bón vô cơ; việc đốn cành tạo tán được thực hiện thường xuyên, vừa để cây chè có sức vươn, vừa làm phân xanh, thêm dinh dưỡng cho đất; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi phun cho chè mà sử dụng hoàn toàn bằng các chế phẩm sinh học; bà con cũng được học cách nhận biết và tận dụng các sinh vật có ích trong loại trừ sâu bệnh hại chè...

Ông Nguyễn Văn Tái, thôn 5 Làng Bát, người đã có 10 năm trồng chè chia sẻ, nhờ áp dụng những cách thức sản xuất sạch, gia đình ông từ việc phải phun liên tục 4 lần thuốc bảo vệ thực vật/tháng, thì giờ giảm chỉ còn 1 lần. Năng suất chè được giữ ổn định, sức khỏe được đảm bảo, mà giá bán chè lại cao hơn so với trước đây 1,5 lần. Nếu như chè ngoài mô hình hiện nay chỉ bán được 70.000 - 90.000 đ/kg thì chè VietGAP Làng Bát lúc nào cũng bán giá 200.000 đ/kg, nhưng lúc nào cũng “cháy” hàng vì thương lái đã đặt mua khi chè còn chưa hái về. Hơn 1 ha chè nhà ông, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng cho lãi hơn 200 triệu đồng.

Chung tay giữ gìn thương hiệu

Ông Nguyễn Mạnh Công, Trưởng thôn 3 Làng Bát, thành viên hợp tác xã cho hay, từ sự thành công của mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều hộ sau một thời gian loay hoay tìm kiếm cây trồng phù hợp cũng đã quay trở lại đầu tư vào trồng chè, như gia đình ông hay bà Nguyễn Thị Răm.

Tháng 6 vừa rồi, khi mới thành lập hợp tác xã, chỉ có 20 thành viên, thì sau chưa đầy 5 tháng, đã tăng lên hơn 50 thành viên. Hầu hết các xã viên đã chủ động đưa toàn bộ diện tích của gia đình vào sản xuất theo quy trình VietGAP. Từ 5 ha mô hình trung tâm năm 2013, 2 thôn Làng Bát đã phát triển diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 20 ha.

Trước đấy, từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang, tổ hợp tác sản xuất chè sạch Làng Bát đã được hỗ trợ xây dựng một xưởng chế biến, đầu tư máy đóng gói, máy hút chân không với thiết bị đạt tiêu chuẩn. Tháng 6-2017, Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát được thành lập, trên cơ sở phát triển từ Tổ hợp tác chè sạch Làng Bát. Hợp tác xã do ông Phạm Văn Luận làm giám đốc. Ông Luận chia sẻ, 17 năm làm tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất chè, rồi lại được bầu làm Giám đốc Hợp tác xã, nhưng chưa thời điểm nào, câu chuyện giữ gìn thương hiệu lại được người trồng chè Làng Bát đưa lên cao như thời gian gần đây, nhất là sau câu chuyện chè trộn tạp chất đã manh nha xuất hiện trở lại.

Chè xanh Làng Bát được chứng nhận VietGAP từ năm 2013, đến nay đã 2 lần được chứng nhận lại. Lợi ích nhiều mặt từ làm chè VietGAP khiến mô hình có sức lan tỏa mạnh. Hết năm nay, chứng nhận VietGAP của chè xanh Làng Bát hết hạn, bà con xã viên đã góp tiền để làm lại chứng nhận, trong đó mỗi hộ thành viên đóng góp chưa đến 1 triệu đồng. Ông Luận bảo, trước đây mình vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng giờ thì chủ động thôi. Thương hiệu do mình xây dựng nên, lợi ích thì mình thu về, tên sản phẩm lại là tên của cả thôn, cả xã... nếu làm không tốt, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của mình, mà cả thôn, cả xã mình cũng bị mang tiếng theo.

Trung bình mỗi năm, 2 thôn Làng Bát cung cấp cho thị trường trên 70 tấn chè khô. Sản phẩm chè xanh Làng Bát được tiêu thụ chủ yếu trong nước, trong đó khoảng 30% tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, 60% bán tại thị trường Hà Nội, phần còn lại đã theo chân thương lái vào tới thị trường miền Trung và miền Nam. Thương hiệu Chè xanh Làng Bát cũng đã góp mặt trên “bản đồ nông sản sạch Việt Nam”, khi tháng 1-2017 thông tin về sản phẩm xuất hiện trên chương trình Nông nghiệp sạch của Đài Truyền hình Việt Nam.

Nguồn: Báo Tuyên Quang