Nhân rộng mô hình "Điểm bán hàng Việt Nam"

Thứ 7, ngày 4 tháng 5 năm 2019 - 14:03

Mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” được Sở Công Thương triển khai từ năm 2015. Đây là mô hình phát triển thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Điểm bán hàng Việt tại xóm 8, xã Trung Môn (Yên Sơn).

Sự khác biệt với các điểm bán hàng theo mô hình trên phải đảm bảo 3 yếu tố, đó là điểm bán hàng gần khu vực đông dân cư để phục vụ người lao động; hàng hóa kinh doanh tại điểm bán là hàng Việt Nam có chất lượng cao; chủ cửa hàng kinh doanh hàng Việt Nam phải cam kết với cơ quan chức năng kinh doanh hàng Việt lâu dài.

Ông Ma Văn Phấn, Giám đốc Sở Công Thương cho hay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hàng Việt có chất lượng tốt, giá phải chăng, từ năm 2015, Tuyên Quang đã triển khai mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn đã có 9 điểm bán hàng Việt Nam ở 7 huyện, thành phố. Điều đáng lưu tâm là điểm bán hàng đều được đặt ở khu vực chợ vùng nông thôn, khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp có đông người lao động. Việc xây dựng các điểm bán hàng góp phần đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận tiện, giá cả phù hợp và sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt cho người tiêu dùng.

Các điểm bán hàng Việt được hỗ trợ về quầy kệ, hướng dẫn cách thức trưng bày sản phẩm hàng Việt Nam để khách dễ thấy và bắt mắt. Các sản phẩm ở đây đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Hiện các điểm bán hàng Việt thu hút đông đảo người dân mua sắm. Chị Bùi Thị Hồng, khách đến mua hàng tại cửa hàng kinh doanh hàng Việt của chị Nguyễn Thị Lan Anh ở xóm 8, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, các sản phẩm ở điểm bán hàng Việt không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã phong phú mà giá rất phải chăng hợp với túi tiền người lao động.

Các mặt hàng đặc sản xứ Tuyên tại số nhà 77, đường Nguyễn Trãi,
phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).

Không chỉ riêng ở điểm bán hàng mới, mà từ năm 2015 đến nay, người tiêu dùng tại các huyện, thành phố hay khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã quen với tấm biển hiệu nền đỏ chữ trắng quen thuộc "Điểm bán hàng Việt Nam". Thực tế tại các điểm bán hàng Việt, các chủ cửa hàng có chung nhận xét, nhờ có biển hiệu cùng với giá kệ bày đặt hàng hóa đẹp bắt mắt nên khách hàng đến mua nhiều hơn trước và doanh thu của cửa hàng cũng tăng lên. Cầm trên tay 3 hộp sữa Ông Thọ với 2 túi băng Tất Thắng tại điểm bán hàng Việt, chị Vũ Thị Lan ở xóm 6, xã Trung Môn (Yên Sơn) bảo, chúng tôi rất ngại về trung tâm thành phố để mua hàng. Có điểm bán hàng Việt tại xã, hàng hóa bán theo giá niêm yết không chỉ giúp dân chúng tôi vừa dễ chọn hàng, vừa dễ mua mà không sợ hàng không chính hãng.

Quả thật, với người dân nông thôn chỉ mong muốn tiện lợi trong việc lựa chọn cửa hàng để đi mua sắm và khi đã tin tưởng mua hàng được vừa ý thì lần sau lại đến. Cũng là bán hàng Việt, nhưng điểm khác biệt với mọi điểm bán trên địa bàn là cửa hàng đặc sản xứ Tuyên, nằm trên tuyến phố Nguyễn Trãi, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). Mọi sản phẩm hàng hóa bán ra tại cửa hàng đều là sản phẩm có nhãn mác và thương hiệu sản xuất tại Tuyên Quang. Đó là mật ong Phong Thổ, chè xanh Làng Bát, rượu men lá Na Hang, chè xanh Mỹ Lâm, chè Kia tăng Hồng Thái và sản phẩm mỹ nghệ của các nghệ nhân. Đây không chỉ là điểm bán hàng giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh mà còn là điểm hội tụ những mặt hàng của các doanh nghiệp, các HTX trong tỉnh sản xuất. Điều đáng lưu tâm các sản phẩm hàng hóa ở điểm bán hàng này không chỉ mời gọi khách hàng trong tỉnh mà còn là đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với xứ Tuyên.

Việc Sở Công Thương duy trì và nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng khi mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.

Nguồn: Báo Tuyên Quang