Mỗi xã một sản phẩm: “Sứ giả” văn hóa xứ Tuyên

Thứ 2, ngày 22 tháng 4 năm 2019 - 13:57

Hầu như mỗi địa phương của tỉnh ta đều có những nông sản đặc sản nức tiếng, từ trái cam sành, bưởi ngọt, lê Hồng Thái đến dê núi, cá đặc sản, thịt trâu… Tuy nhiên, câu chuyện đưa nông sản địa phương ra thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu tính liên kết, thiếu định hướng. Bài toán này giờ đã có lời giải, khi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai tại tỉnh.


Khơi dậy tiềm năng

Người Dao Tiền ở Hồng Thái (Na Hang) chưa bao giờ nghĩ có ngày cây lê, cây rau trồng tại vườn nhà lại trở thành hàng hóa và nhận được sự ủng hộ của nhiều khách phương xa đến vậy. Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái chia sẻ, lê Hồng Thái có vị chua chát, thanh mát mà phải người sành ăn, ăn quen mới cảm nhận được hết vị đậm đà của loại trái cây này. Rau củ trồng ở đất này cũng giòn, ngọt hơn và đặc biệt là sạch, an toàn bởi bà con nơi đây canh tác chủ yếu theo hướng hữu cơ.

Cây lê, mận được trồng ở Hồng Thái từ bao giờ không ai nhớ, nhưng mỗi nhà chỉ có vài cây, chủ yếu được trồng cho trẻ nhỏ hái quả và làm quà tặng khách quý đến chơi nhà. Phải đến năm 2018, khi Na Hang thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển cây lê theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích trồng lê tăng lên hơn 60 ha. Cùng thời điểm này, nhiều cây rau màu được đưa về trồng tại đây như bắp cải, su hào, súp lơ, su su... Tất cả đều được Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch.

Nông sản đặc sản của một số địa phương được giới thiệu tới người tiêu dùng thông qua Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về cây mía do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2018.

Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tân Hợp - Đặng Văn Hầu bảo, lúc mới vận động bà con làm, ai cũng nghi ngại, vì Hồng Thái vốn cách xa trung tâm huyện Na Hang, bà con sợ trồng nhiều rồi không biết bán cho ai, bán kiểu gì, thu nhập không đủ bù lại công sức đã bỏ ra… Nhưng chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, bà con giờ đều yên tâm đầu tư. Sản phẩm Rau sạch Hồng Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tân Hợp xuất bán ra thị trường 70 - 80 tạ rau. Đầu tháng 4, sản phẩm Rau sạch Hồng Thái đã được Siêu thị Vinmart Tuyên Quang thẩm định chất lượng, tiến tới ký hợp đồng đưa sản phẩm vào Siêu thị Vinmart tại Tuyên Quang. Đây cũng là 2 sản phẩm được xã Hồng Thái lựa chọn hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020.

Yên Lập (Chiêm Hóa) vốn nổi tiếng với một loại trái cây bản địa là hồng không hạt. Bà con nơi đây chỉ nhớ, loại cây này xuất hiện từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, trong đó tập trung nhiều ở dải đất Tin Kéo, Nà Héc, Nà Lụng, Bắc Muối… Nhà ít dăm ba gốc, nhà nhiều vài chục gốc, hồng không hạt ở Yên Lập giờ có hơn 6 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là gần 3 ha. Chủ tịch UBND xã Yên Lập - Hà Xuân Nguyên bảo, hồng không hạt Yên Lập có vị ngọt dịu, giòn, thơm, nhiều đường cát, giàu dinh dưỡng. Năm 2019, Yên Lập có kế hoạch mở rộng thêm 3 ha hồng không hạt, trong đó ưu tiên 4 thôn có truyền thống trồng loại cây này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Hà Xuân Nguyên, so với các loại cây trồng khác thì cây hồng không hạt khó nhân giống hơn vì là cây bản địa, không chiết ghép được mà chủ yếu nhân giống từ rễ, nên khi lựa chọn sản phẩm để đưa vào Chương trình OCOP, Yên Lập mong muốn có thể bảo tồn được nguồn giống quý này, đồng thời, xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, thay vì tự tìm đầu ra như trước đây.

Không để thương hiệu mai một

Tháng 3-2019, kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã được UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở 6 nhóm sản phẩm do các địa phương đề xuất, lựa chọn. Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh đã lựa chọn mỗi địa phương ít nhất 1 sản phẩm chủ lực có quy mô cấp huyện, trong đó Lâm Bình lựa chọn sản phẩm dê núi; Na Hang lựa chọn cá đặc sản, chè Shan tuyết; Chiêm Hóa lựa chọn sản phẩm lạc; Hàm Yên lựa chọn cam sành; Yên Sơn lựa chọn bưởi, chè; Sơn Dương lựa chọn sản phẩm chè và thành phố Tuyên Quang lựa chọn sản phẩm mật ong. Các xã, thị trấn cũng lựa chọn được 74 sản phẩm để hỗ trợ, trong đó huyện Lâm Bình 12 sản phẩm; Na Hang, Hàm Yên mỗi địa phương 8 sản phẩm, Chiêm Hóa 11 sản phẩm, Yên Sơn 21 sản phẩm, Sơn Dương 9 sản phẩm, thành phố Tuyên Quang 5 sản phẩm.

Sản phẩm cá lăng của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Lập (Chiêm Hóa) được lựa chọn hỗ trợ theo Chương trình OCOP.

Kim Bình (Chiêm Hóa) vốn nổi tiếng với 2 đặc sản mắm cá ruộng Cổ Linh và rượu chuối Kim Bình. Chủ tịch UBND xã Kim Bình Đào Ngọc Vang chia sẻ, đây là 2 sản vật nổi tiếng và riêng có của Kim Bình, tuy nhiên, sản phẩm mắm cá ruộng Cổ Linh đang có nguy cơ thất truyền nếu không được quan tâm đúng mức. Trước đây ở Kim Bình có gần chục hộ gia đình sản xuất mắm cá, nhưng vì không theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên chất lượng không đảm bảo, nhiều nhà làm không theo đúng vị chuẩn của người Tày Kim Bình khiến sản phẩm làm ra không được người tiêu dùng đón nhận. Chủ tịch UBND xã Đào Ngọc Vang cho biết, ngay sau khi sản phẩm mắm cá ruộng Cổ Linh được lựa chọn hỗ trợ theo Chương trình OCOP, xã đã giao cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình quản lý việc xây dựng, theo đó, lựa chọn 2 hộ gia đình có truyền thống về sản xuất mắm cá ruộng là hộ anh Hà Công Hải, thôn Đèo Nàng và hộ anh Hoàng Văn Bảo, thôn Khuân Nhự. Vì nguyên liệu để sản xuất phải là cá chép ta được nuôi ở ruộng, nên nguồn vốn hỗ trợ sẽ được ưu tiên xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cấp đủ đầu vào cho các hộ được lựa chọn sản xuất.

Trong số 74 sản phẩm được hỗ trợ theo Chương trình OCOP lần này, ngoài những sản phẩm đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường thì nhiều sản phẩm đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền như cá bỗng, hồng không hạt, mắm cá ruộng, tơ tằm Tân Long… Chính vì vậy, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Văn Ngạc, OCOP không chỉ tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những lợi thế so sánh về điều kiện lịch sử, sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Điều quan trọng cần phải làm được đó là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được bán ra từ Chương trình OCOP thì đều là những sản phẩm rất đáng tự hào, mỗi sản phẩm sẽ là một sứ giả, kể lại những câu chuyện riêng có của văn hóa xứ Tuyên.

Nguồn: Báo Tuyên Quang