Sức hút từ nông nghiệp công nghệ cao

Thứ 4, ngày 17 tháng 10 năm 2018 - 09:22

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, tăng lợi ích cho các bên tham gia là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu thế thế giới. Tại Tuyên Quang, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã được khởi động, là tiền đề cho phát triển nông nghiệp 4.0 tại tỉnh nhà.


Đột phá về công nghệ

Khởi đầu cho nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh là khu vực nuôi cấy mô của Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, thuộc trường Đại học Tân Trào.

Từ việc tiếp nhận ban đầu 60 bình giống gốc gồm 3 giống keo lai: BV10, BV16, BV33 và 2.000 cây đầu dòng để nhân, trồng thử nghiệm tại trung tâm, sau 1 năm, việc chuyển giao công nghệ đã thực hiện thành công và được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao khả năng ứng dụng công nghệ và đưa vào sản xuất của đội ngũ kỹ thuật viên thuộc trung tâm. Trong năm nay, sẽ có trên 1,6 triệu cây thành phẩm đủ tiêu chuẩn xuất vườn và đến năm 2021 sẽ đạt trên 2 triệu cây. Hiện tại, trung tâm đã cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trên 1,5 triệu cây giống giá trị hơn 4 tỷ đồng, hiện đang triển khai trồng trình diễn cho tỉnh Bắc Cạn trên 3 ha tại Công ty Lâm nghiệp Chợ Mới. Ngoài cây keo lai, hiện nay trung tâm đã nhân giống thành công nhiều loại cây giống khác như bạch đàn, cây ba kích, các loại hoa lan, chuối tiêu hồng và đang hợp tác với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nghiên cứu, cung cấp hàng năm 120.000 cây giống mía theo phương pháp nuôi cấy mô.

Khu vực sản xuất rau thủy canh của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm
tại thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Ông Nguyễn Văn Việt, quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù tiếp cận công nghệ cao chậm hơn so với một số tỉnh, thành phố, nhưng việc ứng dụng kỹ thuật này vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lại chuyển biến nhanh và có tác động sâu rộng. Thống kê, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình sản xuất rau thủy canh trong nhà lưới tự động điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng tại xã Kháng Nhật; mô hình chăn nuôi lợn khép kín xã Quyết Thắng (Sơn Dương); mô hình nuôi cá lồng thâm canh trên lòng hồ sinh thái Tuyên Quang; mô hình tưới nước tự động cho chè và dây chuyền chế biến chè CTC của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm; sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình VietGAP, chăn nuôi bò sữa áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu)… Các mô hình sản xuất ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và cho thu nhập cao hơn hẳn so với sản xuất đại trà. Đặc biệt, các mô hình này đều có sự đột phá về công nghệ, giảm số lượng lao động tham gia làm việc.

Doanh nghiệp là nòng cốt

Giữa tháng 8 vừa qua, những sản phẩm rau trồng theo phương pháp thủy canh đầu tiên của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm tại thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) ra mắt thị trường. Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty cho biết, hầu hết mọi kiến thức về sản xuất, kỹ thuật xây dựng nhà lưới… đều do anh tự mày mò học hỏi, chỉ đến khi làm chủ công nghệ, anh mới bắt tay vào thực hiện. Khu nhà lưới có quy mô 1.000 m2, được thiết kế tự động hóa từ quạt mát, phun sương tưới ẩm, đến hệ thống đường ống dẫn nước. Cả một khu sản xuất rau trừ lúc thu hoạch cần lao động, còn lại không tốn đến 1 công lao động bởi tất cả đã được lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước.

Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp xanh xã Trung Môn (Yên Sơn) cũng đã bắt tay vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với mô hình trồng rau trong nhà màng tại xã Sầm Dương (Sơn Dương). Chị Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Khu vực sản xuất rau của hợp tác xã có diện tích 3.800 m2, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Khi chuẩn bị sản xuất, chị rất lạc quan khi nghĩ tất cả mọi quy trình từ lắp đặt nhà màng đến sản xuất rau đều tương đối đơn giản và có thể làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào lắp đặt nhà màng sản xuất rau, hợp tác xã phải bỏ ra hơn 700 triệu đồng. Để các thành viên trong hợp tác xã có thể làm chủ quy trình sản xuất, chị Nga chủ động kết nối với cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn, hướng dẫn và giám sát toàn bộ quy trình.

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ
kiểm tra các bình nuôi cấy mô keo lai.


Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xác định các doanh nghiệp là nòng cốt trong triển khai, xây dựng và phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhờ tiềm lực về vốn, có khả năng đầu tư “dài hơi”, ngành hỗ trợ, tổ chức các đợt tham quan học tập tại Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay, lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư vào lĩnh vực này, như Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND, ngày 22-12-2015 của HĐND tỉnh quy định về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND, ngày 13-7-2016 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản...

Thị trường là mục tiêu

Trung bình 35 ngày, trang trại của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm sẽ xuất ra thị trường 1 lứa rau trồng theo phương pháp thủy canh. Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty chia sẻ, để không quá xa lạ với thị trường và khó tiếp cận người tiêu dùng về mặt giá cả, công ty thống nhất một giá bán chung cho tất cả các loại rau trồng tại trang trại là 25 nghìn đồng/kg. Một trong những lo ngại nhất đối với anh khi bắt tay vào sản xuất rau công nghệ cao chính là đầu ra, thì nay đã hoàn toàn được hóa giải. Sản phẩm làm ra đến đâu, thị trường tiêu thụ đến đấy. Người tiêu dùng sau khi sử dụng đều đánh giá là rau trồng tại trang trại non, giòn và ngọt hơn so với các loại rau khác.

Đặc biệt, vấn đề an toàn thực phẩm được đảm bảo và kiểm soát chặt chẽ từ chính công ty và các cơ quan chức năng. Ngay trong đợt tham gia Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực trung du, miền núi phía Bắc vừa diễn ra tại Thái Nguyên, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài sản phẩm rau thủy canh, Nguyễn Việt Lâm đang trồng thử nghiệm một số loại hoa quả như dưa lưới, dưa chuột… Nguồn cung từ công ty sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp, trường học và các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.

Bắt đầu sản xuất từ tháng 7-2018, đến tháng 8-2018, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp xanh đã có lứa rau đầu tiên xuất bán ra thị trường. Đối tượng khách hàng là các bếp ăn tập thể (trường học, bệnh viện…). Để cạnh tranh với thị trường, hợp tác xã thống nhất giá bán chung cho các sản phẩm là 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, vì đặc điểm rau trồng trong nhà màng lá xanh mướt hơn, không có sâu bệnh nên nhiều bếp ăn nghi ngờ hợp tác xã nhập rau từ… Trung Quốc về bán.

Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Thanh Nga cho biết, trước thực trạng này, hợp tác xã phải định hình lại thị trường cho sản phẩm. Hiện, hợp tác xã đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng để truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm an toàn… đồng thời, làm việc với một số siêu thị tại Hà Nội và siêu thị Vinmart tại Tuyên Quang để tìm đầu ra về lâu dài. Tuy nhiên, cái khó với hợp tác xã là câu chuyện thuê đất. Hiện, 3.800 m2 đất sản xuất của hợp tác xã tại Sầm Dương là thuê đất 5% của xã, thời hạn thuê 5 năm. Theo tính toán, với giá bán 15 nghìn đồng/kg, thì sau 5 năm hợp tác xã có thể thu hồi vốn đầu tư. Nhưng nếu sau 5 năm không thuê lại được đất, thì toàn bộ công sức là… bỏ sông bỏ bể.

Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, để phát triển sản xuất theo phương thức này, ngoài sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà khoa học, Sở đang đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước qua các Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet; Hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt -Trung lần thứ ba tại Côn Minh - Vân Nam (Trung Quốc); Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao và nông sản an toàn vùng đồng bằng sông Hồng; Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc... Hợp tác phát triển nông nghiệp, nông thôn với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, duy trì kết nối tiêu thụ một số sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tại Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối thực phẩm an toàn, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy và cửa hàng thực phẩm sạch An Nguyên, khu đô thị Tây nam Linh Đàm, Hoàng Mai (Hà Nội). Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp, siêu thị ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định đầu ra cho nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Nguồn: Báo Tuyên Quang